Rất nguy hiểm nếu tuỳ tiện cho trẻ dùng miếng dán chống say xe

Thứ Tư, 09/08/2017, 16:27
Một bé gái, 4 tuổi ngụ tại huyện Hóc Môn đã phải nhập viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tuần qua vì có triệu chứng loạn thần, hoảng loạn, nói sảng, ảo giác, sau khi dùng miếng dán chống say xe. Theo các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh cho biết vào sáng 9-8, không chỉ trường hợp bé gái trên mà khoảng 2 tuần nay, BV tiếp nhận 3 trường hợp trẻ có triệu chứng "ngộ độc" miếng dán chống say tàu, xe như trên.


Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, say tàu xe không phải là một bệnh lý, nhưng để chấm dứt chứng say xe con người ta chỉ có thể thích nghi dần. Để chống lại triệu chứng khó chịu này thì Y khoa có một trong những loại thuốc Tây (có tên: Scopolamine-loại thuốc dán). 

Theo cơ chế, miếng dán sẽ ngấm qua da. Có thể thẩm thấu vào máu. Tác dụng chống ói, chống buồn nôn và chống nôn. Nhưng do tác dụng dược lý nên tại nhiều nước, trẻ dưới 12 tuổi không được phép dùng. Thuốc dùng cho người lớn vì tính tiện dụng của nó và ít nguy cơ tác dụng phụ hơn. Tuy nhiên, khảo sát tại khu vực TP Hồ Chí Minh hiện nay, tại các nhà thuốc, phụ huynh đều có thể mua miếng dán chống say xe Scopolamine khá dễ dàng với giá khoảng 10.000-15.000 đồng/miếng, dùng để dán phía sau tai 1-4 h trước khi đi tàu xe để ngăn ngừa tình trạng chóng mặt, buồn nôn,...mà không hề biết rằng nguy hiểm cho con trẻ.

 Khoa Nhiễm Thần kinh BV Nhi Đồng 1 vào những dịp hè cũng thường hay tiếp nhận các trường hợp trẻ em cấp cứu sau khi được cha mẹ cho dùng miếng dán này để chống say xe khi đi chơi, du lịch hè.

BS Trương Hữu Khanh trao đổi về sự nguy hiểm khi tự tiện mua miếng dán Scopolamine chống say xe cho trẻ.

        

Bác sĩ Khanh phân tích, miếng dán chống say xe có chứa hoạt chất Scopolamine là chất kích thích hệ thần kinh, được biết đến với tên gọi "hơi thở của quỷ" là một loại ma túy có tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ bị ngộ độc thì sau khi dán, sẽ có triệu chứng lừ đừ nhưng cha mẹ nghĩ rằng miếng dán "đang" phát huy tác dụng chống say, nên trẻ ngủ. Nhưng thực chất là tác dụng phụ của thuốc gây lừ đừ, chóng mặt, dần dẫn tới chứng loạn thần mà không biết. Có trẻ sẽ bị loạn thần kéo dài 72 h mới hết. Riêng với trẻ có cơ địa "nhạy cảm", thuốc sẽ gây chứng loạn thần, lú lẫn, ảo giác. Có bệnh Nhi lại bị ngủ li bì, hoặc không còn nhận biết ra ai nữa. Thậm chí có trẻ vào viện khi đã hôn mê.

Hai tuần qua, Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 TP. HCM đã tiếp nhận 3 ca trẻ bị ngộ độc do miếng dán chống say xe (ảnh minh hoạ). 

        

Miếng dán chống say xe Scopolamine bán trên thị trường.

Một điều đáng cảnh báo nữa là, triệu chứng ngộ độc miếng dán này còn dễ bị chẩn đoán lầm với bệnh viêm não. Thực tế, nhiều trẻ cấp cứu có triệu chứng bò lồm cồm quanh nhà, chân tay quờ quạng, la hét...y như triệu chứng viêm màng não. Khi thấy con như vậy, đa số người nhà đều tức tốc đưa tới BV gấp. Nhưng cũng đã có không ít trường hợp phụ huynh đưa trẻ đi chữa viêm não nhiều nơi trước khi phát hiện thủ phạm là do miếng dán chống say tàu xe. 

 Mỗi năm, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 10 trẻ ngộ độc hoạt chất scopolamine có trong miếng dán này. Do đó, phụ huynh khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường sau khi dùng miếng dán cần nhập viện ngay cũng như nói rõ với bác sĩ về việc sử dụng ( số miếng dán, thời gian dán...). để chữa trị.

Riêng với em bé dưới 2 tuổi theo khuyến cáo, không nên dùng bất cứ thuốc gì để chống say tàu, xe. Tốt nhất là không cho trẻ ăn no quá hay đói quá khi lên xe. Đừng bàn tán trước mặt trẻ về chuyện say xe trước, trong và sau khi đi xe. Cho trẻ ngồi ở vị trí ít gây sốc nhất trên ô tô, không có gió lùa, động viên trẻ nên nhìn ra xung quanh, nhìn ra xa, không căng thẳng, không tập trung nhìn vào một điểm để bớt các yếu tố tác động gây say xe.


Huyền Nga
.
.
.