Lại rộ lên ngộ độc chì ở trẻ do dùng thuốc cam

Thứ Hai, 03/07/2017, 09:40
Việc ngộ độc chì từng rộ lên với nhiều hậu quả đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Gần đây, tình trạng này lại tái diễn khi một số bệnh viện (BV) lại phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc chì, đa phần là trẻ em, nhập viện.

Ngày 30-6, BV Nhi Trung ương cho biết, chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 6, đã có 8 trẻ phải cấp cứu tại Khoa Cấp cứu chống độc của BV do bị rối loạn thần kinh nặng và rối loạn tiêu hóa vì sử dụng thuốc cam. Đây chỉ là một ví dụ trong số hàng chục trường hợp trẻ em ngộ độc chì từ thuốc cam mỗi năm mà BV phải tiếp nhận.

Bé Nguyễn Văn Hòa (7 tháng tuổi, Ninh Bình) bị viêm mũi họng, nhưng gia đình mua thuốc cam dùng cho bé, thay vì làm theo chỉ định của bác sĩ, vì sợ thuốc tây khó uống có thể khiến bé bị trớ. Một tuần sau khi dùng thuốc, cháu bắt đầu bị nôn kèm co giật.

Gia đình vội đưa bé vào BV Sản Nhi Ninh Bình và được chẩn đoán bé bị giãn não thất. Sau đó, bé được chuyển lên BV Nhi Trung ương. Bé nhập viện Nhi Trung ương trong trạng thái co giật, li bì và được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn lưu nhằm giảm áp lực nội sọ.

Nghi ngờ cháu bị nhiễm độc chì, các bác sĩ đã cho làm xét nghiệm chì trong máu và kết quả cho thấy bé Hòa bị nhiễm độc chì rất nặng. Hiện bé đang được điều trị tích cực bằng thở máy, kết hợp sử dụng thuốc thải chì tại khoa Hồi sức tích cực.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc cho biết, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc, nhưng nhiều phụ huynh vẫn quá tin tưởng vào loại “thần dược” này. Họ tin vào lời đồn rằng thuốc cam có thể giúp trẻ tăng cân, chữa lành một số bệnh thông thường. Một số cha mẹ dùng để vệ sinh lưỡi cho trẻ. Những sai lầm này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các bé.

Khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm độc chì, cần đưa tới bác sĩ để khám và điều trị.

Không chỉ trẻ em mà hậu quả của ngộ độc chì với người lớn cũng rất nghiêm trọng. Theo Trung tâm chống độc của BV Bạch Mai, chị Lê Thị Nh. (22 tuổi, ở Ninh Bình), cũng phải nhập viện cấp cứu sau khi dùng thuốc của ông lang L. ở cùng huyện để mau chóng có con.

Chị Nh. cho biết, sau 10 ngày dùng thuốc của thầy lang, chị Nh. bị đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng. Khi được đưa tới trung tâm, các bác sĩ đã xác định chị bị ngộ độc chì.

Chị Nh. đã được điều trị giải độc chì, nhưng bác sĩ khuyên phải đợi tới khi nồng độ chì trong máu giảm trở về mức an toàn mới nên có con. 3 người khác cùng quê chị Nh. uống thuốc nam của ông lang trên cũng đều bị nhiễm độc chì. 

Bác sĩ Lê Ngọc Duy cho hay, chì có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày-đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Điều đáng lo ngại là trong khi người lớn hấp thu chì qua đường tiêu hóa khoảng 15%, thì trẻ lại hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì. Các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, do phần lớn trẻ bị nhiễm độc không có biểu hiện điển hình, nên nhiều gia đình thường chủ quan khi sử dụng thuốc.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, những dấu hiệu có thể nhận biết trẻ bị nhiễm độc chì là tăng kích thích, co giật, ngủ lịm từng lúc, hôn mê, liệt; trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn, hoặc chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất các kỹ năng học được, học kém; da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.

Bác sĩ Lê Ngọc Duy khuyến cáo, để đề phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, phụ huynh không nên tự ý sử dụng các thuốc cam không có nguồn gốc để uống, bôi cho trẻ. Chỉ sử dụng các thuốc của nhà sản xuất và phân phối có nguồn gốc và được cấp phép. Hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai cho biết, chì hoàn toàn không có tác dụng làm tăng khả năng có thai, ngược lại, còn gây giảm khả năng sinh sản của cả nam và nữ. Mẹ mang thai bị ngộ độc chì thì con chắc chắn bị ngộ độc chì, đồng thời mẹ dễ bị sảy thai, đẻ non.

Chì đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ngay từ trong bào thai. Việc cho rằng dùng thuốc nam có chì nhằm tác dụng tăng khả năng có thai là phản khoa học và gây hại thêm cho bệnh nhân. Vì thế, cần cảnh giác với các loại thuốc nam chứa chì, không chỉ các “thuốc cam” cho trẻ mà còn các dạng thuốc có dạng bột hoặc viên không nhãn mác, không được cấp phép.

Thanh Hằng
.
.
.