Số người chết vì bệnh lao ở Việt Nam còn nhiều hơn tai nạn giao thông

Thứ Sáu, 23/03/2018, 18:15

Theo ước tính của WHO, tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý. 


Chiều 23-3, nhân Ngày thế giới phòng chống lao, Bệnh viện Phổi Trung ương đã ra mắt “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao” và đưa ra những thông tin mới nhất về căn bệnh này.

Theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia, việc thành lập Quỹ trên có ý nghĩa rất lớn cho việc giải quyết gánh nặng bệnh tật do bệnh lao gây ra ở Việt Nam. Quỹ nhằm hỗ trợ bệnh nhân lao nghèo trên toàn quốc. Mục tiêu cơ bản là hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho những người bệnh lao chưa có thẻ, giúp đồng chi trả cho người bệnh trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Cũng theo ông Nhung, bệnh lao là một trong những căn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, là căn bệnh nguy hiểm thứ 2 trong những bệnh nhiễm trùng gây tử vong trên thế giới. Toàn cầu mỗi năm có khoảng 11 triệu người mắc lao, trong đó số người tử vong vì bệnh lao lên tới 1,7 triệu người.

Ông Nguyễn Viết Nhung

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, năm 2016 có khoảng 126.000 người mắc lao, số ca tử vong lên tới 13.000 người, cao hơn nhiều so với số chết do tai nạn giao thông, nhưng đây lại là căn bệnh người dân ít khi chú ý. So với năm 2000, Việt Nam đã giảm 50% số hiện mắc và mắc mới cũng như số tử vong vì bệnh lao. Hiện, số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong vì bệnh lao giảm nhanh hơn số mắc do chúng ta tăng được tỷ lệ phát hiện. Trong hai năm 2015 - 2016, cả nước đã giảm được 3.000 người chết vì lao.

Hiện nay, cả nước phát hiện được khoảng 100.000 người mắc lao, vì vậy còn gần 30.000 người mắc lao còn chưa được phát hiện, vẫn tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Những người không được phát hiện bệnh có tỷ lệ tử vong cao lên tới 40% và vẫn tiếp tục là nguồn lây nhiễm bệnh nguy hiểm cho cộng đồng.

Vấn đề nữa là một số bệnh nhân không tuân thủ điều trị hoặc có những rào cản, khó khăn không thực hiện đầy đủ điều trị dẫn đến kháng thuốc, rồi lại điều trị. Đó là một vòng luẩn quẩn khiến bệnh lao vẫn cứ tồn tại trên 130 năm nay.

Bên cạnh đó, việc điều trị lao tuy có nhiều tiến bộ nhưng với số lượng thuốc khá lớn, có thể có các phản ứng với thuốc và đặc biệt thời gian kéo dài ít nhất là 6 tháng và có thể phải đến 2 năm nếu điều trị lao kháng thuốc. Vì vậy, người bệnh ngoài việc nhận thuốc chống lao miễn phí thì còn cần rất nhiều các điều trị các bệnh lý phối hợp và các điều kiện sống khác để hoàn thành điều trị và khỏi bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.