Quản lý chặt giá thuốc để chấm dứt việc doanh nghiệp “tự tung tự tác”

Thứ Tư, 09/11/2016, 18:32
Với những dự thảo về Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dược, sẽ có nhiều thay đổi trong việc quản lý thuốc chữa bệnh. Điều này được lãnh đạo Bộ Y tế cho biết tại hội thảo lấy ý kiến về Nghị định này tổ chức tại Hà Nội chiều 9-11.


Một nội dung quan trọng ở dự thảo Nghị định là sự thay đổi trong quản lý giá thuốc, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp vừa bảo vệ người dùng. Nếu doanh nghiệp dự kiến bán thuốc cao hơn giá bán buôn đã được Bộ Y tế công bố, thì phải thực hiện kê khai giá. 

Trước đây, doanh nghiệp thực hiện kê khai giá thuốc nhập khẩu cao hơn giá bán buôn mà cơ quan quản lý Nhà nước thấy chưa hợp lý, thì việc “thương thảo” giữa 2 bên dù diễn ra nhiều lần cũng có thể không có điểm dừng. Nay, nếu giá thuốc cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng tương tự, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ yêu cầu doanh nghiệp xem xét lại và phải cung cấp các tài liệu chứng minh vì sao mức giá cao so với các thuốc tương tự trên thị trường. 

Sẽ bổ sung và quản lý chặt các thuốc thuộc diện quản lý đặc biệt

Sau 2 lần trao đổi, nếu doanh nghiệp không đủ chứng cớ thuyết phục về việc bán giá cao hơn giá bán buôn, thì cơ quan quản lý Nhà nước quyết định mức giá cao nhất trong dải giá mà Bộ Y tế công bố, vì Bộ Y tế đã có cơ sở dữ liệu rất lớn về lĩnh vực này.  

Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, các căn cứ để Bộ Y tế rà soát giá thuốc là mặt bằng giá thuốc trên thị trường, giá nhập khẩu, giá thành toàn bộ của thuốc, biến động của các chi phí đầu vào và quan hệ cung cầu, khả năng cạnh tranh, các yếu tố về chất lượng thuốc, các yếu tố khác ảnh hưởng đến giá thuốc.

Giá thuốc sẽ được quản lý chặt hơn

 Với cách này, giá thuốc sẽ được quản lý chặt chẽ, không để doanh nghiệp tự tung tự tác khiến cùng một loại thuốc giống nhau về mọi mặt mà chênh giá gấp 2-3 lần, trong khi giá đấu thầu tương đối sát với thị trường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở Bộ Y tế về việc Cục Quản lý Dược nhập Salbutamol để sản xuất thuốc, nhưng quản lý sơ hở, có 6/9 tấn trôi nổi trên thị trường có thể bị sử dụng để làm chất tạo nạc trong chăn nuôi, tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Vì thế, Bộ Y tế sẽ bổ sung danh mục kinh doanh thuốc đặc biệt và quản lý chặt hơn từ 1-1-2017. Theo đó, Salbutamol sẽ được đưa vào danh mục thuốc đặc biệt, nhằm tránh việc sử dụng không đúng mục đích, chuyển từ dược phẩm dành cho người sang thuốc cho thú y sau khi nhập vào Việt Nam.

Việc đưa Salbutamol vào loại thuốc đặc biệt để quản lý, sẽ tránh được sự “chệch khớp” như đã từng xảy ra: Salbutamol là chất mà Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi, còn Bộ Y tế thì lại cho phép nhập để làm nguyên liệu sản xuất thuốc, dẫn đến việc một số doanh nghiệp lợi dụng việc được nhập làm nguyên liệu để bán ra ngoài, sử dụng sai mục đích, gây hoang mang dư luận. Việc quản lý các thuốc đặc biệt sẽ được thực hiện từ khâu nhập nguyên liệu đến khi ra thành phẩm.

Theo các qui định trong dự thảo Nghị định, việc xuất khẩu dược phẩm phải kiểm soát đặc biệt không vì mục đích thương mạim không phải thuốc kiểm soát được, chủng loại dược liệu quý hiếm…. Các doanh nghiệp phải xây dựng đề án đảm bảo được biện pháp an ninh từ quá trình nhập, giao nhận, cấp phát đảm bảo không thất thoát và nếu được Bộ Y tế chấp nhận mới được kinh doanh. 

Một thay đổi đáng lưu ý là dự thảo nghị định này sẽ tách bạch thuốc với nguyên liệu. Vì thế, trước đây chỉ thu hồi thuốc, nay sẽ thu hồi cả nguyên liệu nếu không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nếu là thuốc, để tránh thuốc kém chất lượng, nhầm nhãn mác quay lại thị trường, việc thu hồi phải đảm bảo.

 Nhưng với dược liệu bị quá độ ẩm 1-2%, hay có dính bùn, mà chỉ là một vài bao trong tổng số hàng chục tấn dược liệu nhập về mà tiêu hủy tất cả thì sẽ rất thiệt thòi cho doanh nghiệp. Nghị định cho phép tái xuất nếu chứng minh được không quay lại thị trường trong nước. 

Nhiều ý kiến băn khoăn về việc cấp chứng chỉ hành nghề. Việc dự thảo Nghị định qui định để Đại học Dược Hà Nội và Đại học Dược TP. Hồ Chí Minh thẩm định bằng cấp để cấp chứng chỉ hành nghề, đã được đại diện Trường Đại học Dược Hà Nội phản bác: Bằng cấp Việt Nam có nhiều loại: đại học, dược sĩ cao cấp, dược sĩ đại học vv…

Nhiều ý kiến trao đổi để việc quản lý thuốc tốt hơn

Vì thế, khi đưa vào Nghị định phải cẩn thận. Nhất là việc giao cho Đại học Dược Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thẩm định bằng cấp liệu có khả thi, khi dễ xảy ra tiêu chí không đồng nhất giữa 2 trường. Bộ Y tế nên thành lập một Hội đồng thẩm định, tránh việc không được thẩm định ở Hà Nội lại vào TP. Hồ Chí Minh để được công nhận.

Dự thảo Nghị định cho phép mở bán di động ở chợ, nhằm giúp người dân được tiếp cận với thuốc để chữa bệnh kịp thời. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng qui định cho bán quầy là “Phú quý giật lùi” vì không cần thiết phải tổ chức quầy bán lẻ di động, vì hiện thuốc khá đầy đủ; cũng như qui định nếu thuốc bán quầy ngoài trời có hạn dùng ít hơn 6 tháng là không phù hợp tình hình. 

Về việc này, đại diện Cục Quản lý Dược lý giải, việc tổ chức bán lẻ di động chỉ có ở các khu vực miền núi không có người đưa thuốc vào, còn có rồi thì thôi, để phục vụ người dân. Thuốc bán ở ngoài trời nên sẽ chịu nắng mưa, không đảm bảo yêu cầu ghi trên nhãn là để trong điều kiện nhiệt độ 20-30 độ C, nên tuổi thọ thuốc sẽ giảm xuống. Vì thế phải trừ lùi đi 6 tháng so với hạn dùng để đảm bảo chất lượng.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng Cục Quản lý Dược chưa có chuẩn để đăng ký thuốc sáng chế. “Ác mộng nhất là chứng minh xuất xứ, vì hiện chưa có chuẩn. Trong khi doanh nghiệp nộp được một hồ sơ lên Cục Dược mất không dưới 3 năm để chuẩn bị từ hồ sơ, mẫu, test vv… vì có những cái không giải trình được do không có chuẩn, mà cứ bắt doanh nghiệp làm thì sẽ rất tốn kém. Đăng ký thuốc cần có hướng dẫn chi tiết để thực hiện lộ trình.” –Một doanh nghiệp cho biết.

Ông Đỗ Văn Đông cho hay, các ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ được tiếp thu và bổ sung, sửa đổi, để Nghị định sớm hoàn thiện và đi vào cuộc sống. 


Thanh Hằng
.
.
.