Kiến nghị sửa đổi luật để “trị” thuốc chữa bệnh giả

Chủ Nhật, 02/06/2013, 10:00
Đã không ít trường hợp sử dụng phải thuốc chữa bệnh giả, rượu giả, phải vào cấp cứu Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai và nhiều bệnh viện khác. Nhưng, nỗi lo thuốc chữa bệnh giả vẫn hiện hữu, dù hậu quả của nó rất lớn. Đáng lo ngại khi người tiêu dùng vẫn bó tay trước tình hình này. Đây cũng là cảnh báo của Bộ Y tế và Bộ Công an tại hội thảo về đấu tranh chống hàng giả có tác hại đối với sức khỏe của người dân, được tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết: kết quả kiểm nghiệm hơn 100 mẫu tân dược trên thị trường, đã phát hiện khoảng 3% thuốc kém chất lượng, 0,1% là thuốc giả. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân khi thuốc lại không chữa được bệnh, thậm chí, còn làm trầm trọng thêm vì có thể có những hoạt chất độc mà người sản xuất đưa vào.

Bà Alisia Hartmannn, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho hay, thuốc giả cũng là tình trạng của nhiều nước như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Trung Quốc… Mặt hàng giả nhiều nhất là thuốc có gốc kháng sinh, thuốc Viagra, có tác hại nguy hiểm với sức khỏe con người; thuốc điều trị bệnh đái tháo đường (có nhiều thành phần dược chất độc cao gấp 6 lần quy định)…

Chia sẻ thông tin tại hội thảo, Đại tá Trần Đức Vĩnh, Phó Cục trưởng C46- Bộ Công an cho biết: 5 năm qua (2008- 2012), cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ 14.400 chai rượu giả nhãn hiệu Stolichnaya, gần 94.000 bao thuốc lá giả hiệu Vinataba, hơn 7700 lọ mỹ phẩm, hơn 137000 lon nước ngọt giả nhãn hiệu Arabao…

Cần áp dụng nguyên tắc thực hành phân phối thuốc và thực hành tốt nhà thuốc để ngăn chặn thuốc giả.

Riêng quý I/2013 đã phát hiện xử lý 3115 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 13,5 tỷ đồng trên tổng số trị giá hàng vi phạm là 13,1 tỷ đồng.  Đặc biệt, hàng giả trước đây thường dễ bị phát hiện, bởi chất lượng hoặc hình thức có thể phân biệt với hàng chính hiệu. Ngày nay thì khác, hàng thật - giả lẫn lộn, khó phân biệt để nhận biết.

Các đại biểu lo ngại trước thông tin do TS Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cung cấp: hàng giả, hàng kém chất lượng ở nhóm khám chữa bệnh ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại khi gần đây, hàng giả thẩm lậu vào thị trường nội địa thông qua các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, hoặc hàng hóa tạm nhập tái xuất. Nghiêm trọng hơn là hàng hóa thuộc loại hình tái xuất, do phương thức vận chuyển chủ yếu bằng container, có thời gian lưu tại Việt Nam.

Thêm vào đó, việc nhái kiểu dáng, nhãn hiệu trước đây chỉ được thực hiện trong nước với quy mô nhỏ, còn ngày nay đã thực hiện với quy mô lớn, được sản xuất ở nước ngoài và đưa vào Việt Nam tiêu thụ, kể cả tem chống giả. Hàng giả nhập lậu vào Việt Nam phần lớn là thành phần hoàn chỉnh, chiếm 80% nhập lậu từ Trung Quốc.

Theo TS. Nguyễn Phi Hùng thì, phải sửa đổi, cụ thể hóa Điều 157, 171a của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 theo hướng rõ hơn, tách bạch hẳn hai mặt hàng rượu và tân dược bởi hai mặt hàng này vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Đồng thời minh bạch, khắc phục sự lúng túng trong việc áp dụng pháp luật vào việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả

Dạ Miên
.
.
.