Phòng khám, Khoa vệ tinh các Chuyên khoa sâu đi vào hoạt động tại Bệnh viện huyện Củ Chi
Theo đó, 10 BV của thành phố, gồm : Nhi Đồng 1, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ, Bình Dân, Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, Da liễu, Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và Đa khoa khu vực Củ Chi sẽ tham gia hỗ trợ hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân cho BV huyện Củ Chi.
BS Cù Tiến Dũng, Giám đốc BV huyện Củ Chi cho biết, từ khi thành lập đến nay, BV luôn hoạt động trong điều kiện khó khăn về trang thiết bị vật chất, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ bác sĩ mặc dù đã được đầu tư xây mới với quy mô 300 giường bệnh. Với đề án luân phiên bác sĩ, đặc biệt là việc triển khai các khoa vệ tinh, phòng khám vệ tinh của các BV thành phố tại BV huyện Củ Chi sẽ là cơ hội lớn cho BV trong việc bổ sung nguồn nhân lực để BV đạt được mục tiêu là BV hạng 2 hoàn chỉnh sau năm 2020.
Bệnh viện huyện Củ Chi. |
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn đầu, Sở Y tế cử 40 bác sĩ từ các BV thành phố hỗ trợ đảm bảo hoạt động khám bệnh, chữa bệnh 24/24 giờ cho người dân ; đồng thời chuyển giao kỹ thuật cho BV huyện Củ Chi về các chuyên khoa : Nội, ngoại, sản, Nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng và cấp cứu - hồi sức tích cực. Theo đó, kể từ ngày 29/4, 13 phòng khám vệ tinh sẽ bắt đầu hoạt động với 2 phòng khám Nhi, 4 phòng khám Nội và phòng khám cho mỗi chuyên khoa Sản, Ngoại, Tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, phục hồi chức năng.
Phòng khám vệ tinh - khu tiếp nhận bệnh nhân trong ngày hoạt động đầu tiên (29-4) tại BV huyện Củ Chi. |
Bắt đầu từ ngày 4-5, 7 khoa vệ tinh nội, ngoại, sản, nhi, y học cổ truyền-phục hồi chức năng, liên chuyên khoa Mắt-Răng Hàm Mặt-Tai Mũi Họng và cấp cứu-hồi sức tích cực của các BV thành phố tại BV huyện Củ Chi cũng đi vào hoạt động. Trong thời gian chờ trang thiết bị của gói thầu BV huyện Củ Chi, 10 BV lớn sẽ đưa trang thiết bị của BV mình đến để hoạt động trước nhằm đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân huyện Củ Chi và các tỉnh lân cận. Góp phần giảm tải cho tuyến trên, đồng thời tạo điều kiện cho người dân địa phương được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao. Nhất là người dân thuộc diện khó khăn có điều kiện được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Riêng việc để tăng cường đảm bảo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở trong thời gian tới, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tiếp tục đẩy mạnh chương trình luân phiên bác sĩ trẻ sau tốt nghiệp (có chứng chỉ hành nghề) về tham gia công tác khám, chữa bệnh ở những BV tuyến Q/H có khó khăn về nhân lực. Đồng thời, Sở Y tế cũng sẽ đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, hỗ trợ chế độ cho các bác sĩ về công tác tại tuyến dưới, nhất là cơ sở còn khó khăn về nhân lực y tế. Đồng thời sẽ xem xét ngay việc xây nhà công vụ để các y bác sĩ được luân chuyển yên tâm công tác.