Phòng, chống bệnh lao cũng cần quyết liệt như COVID-19
Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao, HIV. Lao là bệnh truyền nhiễm, cũng lây qua đường hô hấp nhưng diễn biến trường diễn hơn so với bệnh COVID-19. Cần phải tập trung quyết liệt giống như tập trung phòng, chống COVID-19 vào trong lao.
- Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030
- Việt Nam bắt đầu bước vào con đường chấm dứt bệnh lao
- TP HCM: Phát hiện thêm hàng chục ngàn người mắc bệnh lao
- Việt Nam nỗ lực thực hiện cam kết chấm dứt bệnh lao cùng toàn cầu
Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Chương trình chống lao quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống lao tại 120 điểm cầu.
Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Việt Nam là nước nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng lao và lao đa kháng thuốc cao nhất thế giới. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa; 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động.
Theo ước tính, hàng năm Việt Nam có thêm khoảng 174.000 người mắc lao. Chương trình Chống lao Quốc gia hiện đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, khoảng 20.000 người được phát hiện đã điều trị tại khu vực y tế tư nhân nhưng không báo cáo với chương trình, còn lại khoảng 50.000 bệnh nhân chưa được phát hiện.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: Số người tử vong vì bệnh lao hằng năm cao hơn người tử vong vì tai nạn giao thông |
Số người chết do lao năm 2018 ở Việt Nam ước tính là 11.000 người và có thêm 2.000 người chết vì lao, HIV. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, có nghĩa là còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng.
Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn, tỷ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mới trên thế giới là 85%, con số này ở bệnh nhân kháng đa thuốc là 56%. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Để có thể phát hiện được nhiều số ca mắc lao, Chương trình đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, đối với tất cả các thể lao.
Phòng, chống bệnh lao cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân |
Với chủ đề “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, ngày thế giới phòng, chống lao năm nay mong muốn từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 mọi người hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Đây là cơ hội rất thuận lợi để giúp cho cả hệ thống chính trị và cho tất cả người dân ý thức được bệnh lao là bệnh truyền nhiễm, cũng lây qua đường hô hấp nhưng diễn biến trường diễn hơn so với bệnh COVID-19. Vì vậy, chúng ta phải tập trung quyết liệt giống như tập trung phòng chống COVID-19 vào trong lao.
Bên cạnh việc biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội phòng chống lao, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đối với Chương trình phòng chống lao từ trước đến nay, chúng ta xây dựng được nền tảng cơ sở giúp cho hệ thống y tế có thể góp phần ngăn chặn đẩy lùi dịch COVID-19. Đó là đã xây dựng được hệ thống bệnh viện lao ở các địa phương, nhờ hệ thống bệnh viện này mà vừa qua chúng ta đã đưa vào điều trị khu vực cho COVID-19.
" Bên cạnh đó, những xét nghiệm đến nay trên thế giới mới phát minh và đã được công nhận, có thể sử dụng nền tảng đó là máy các xét nghiệm lao ở các địa phương. Chúng tôi hy vọng đưa vào sử dụng để phục vụ công tác phòng chống COVID-19 hiệu quả hơn"- Thứ trưởng nói.
Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.