Phẫu thuật xuyên đêm cứu sống bệnh nhân u tim nguy kịch

Thứ Sáu, 16/10/2020, 14:40

Chiều 16/10, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa phẫu thuật xuyên đêm cứu sống bệnh nhân bị khối u nhầy cực lớn trong tim, nguy kịch.


Theo đó, bệnh nhân Lê Văn Cam (SN 1957, ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được chuyển từ bệnh viện địa phương đến BVĐKTƯCT cấp cứu đêm 15/10 trong tình trạng mệt, khó thở với chẩn đoán u nhầy nhĩ trái. 

Các BS lấy khối u nhầy ra khỏi tim bệnh nhân Cam. 

Kết quả siêu âm màu tim, phát hiện khối u nhầy nhĩ trái bám vào vách liên nhĩ, mật độ không đều nghi ngờ có hoại tử trong u; giới hạn rõ; dính vào vách liên nhĩ phần đáy; rất di động; cản trở dòng máu qua van 2 lá; kích thước khối u khoảng 60x40mm gần như lấp đầy nhĩ trái; hở van ba lá 3,5/4, áp lực động mạch phổi tăng nặng 80mmHg. Bệnh nhân chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Mổ tim là một trong những phẫu thuật phức tạp nhất trong điều trị tim mạch. Do đó để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, kiểm soát được tai biến, hạn chế biến chứng có thể xảy ra trong, sau phẫu thuật thì vai trò rất lớn thuộc về công tác chuẩn bị trước mổ đặc biệt bệnh nhân mổ tim cấp cứu.

Sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định. 

Bệnh nhân cùng lúc phải thực hiện nhiều xét nghiệm cấp cứu trước phẫu thuật như: huyết học, sinh hóa, miễn dịch, siêu âm mạch máu, siêu âm bụng, CT-scan có cản quang ngực, bụng; chụp mạch vành, dự trù máu và chế phẩm máu… đặc biệt là huy động cùng lúc nhiều ê kíp thực hiện. 

Trong đêm, bệnh nhân đột ngột lên cơn khó thở cấp, lâm sàng suy tim cấp với biểu hiện phù phổi cấp ho khạc bọt hồng, suy hô hấp, tím tái. Bệnh nhân vừa được xử trí cấp cứu, đưa vào phòng phẫu thuật tim khẩn cấp. Tình trạng lúc vào phòng phẫu thuật nguy kịch, suy hô hấp nặng, huyết áp thấp phải dùng vận mạch.

Ê kíp BSCK2 Lâm Việt Triều (phẫu thuật viên chính), BSCK2 Nguyễn Khắc Minh Trường; Ths-BS Nguyễn Công Cửu và BSCK1 Nguyễn Văn Vĩnh liền triển khai phẫu thuật tim với thời gian ngắn nhất. 

Sau khi mở tim, ê kíp thấy khối u nhầy nhĩ trái cực lớn, kích thước 60x40mm. Khối u dạng nhiều thùy rất dễ vỡ, cuống nhỏ bám vào vách liên nhĩ phía gần van hai lá, rất di động, chèn lấp hoàn toàn vào lỗ van hai lá. 

Sau gần 3 giờ căng thẳng, các BS đã bóc tách trọn vẹn khối u nhầy kèm cuống và xử trí các tổn thương phối hợp.  

Chiều 16/10, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tích cực trong khu hồi sức phẫu thuật tim.

Theo BSCK2 Lâm Việt Triều, u nhầy là u nguyên phát thường gặp nhất ở tim. Tuy là u lành tính nhưng hậu quả u nhầy gây ra về mặt huyết động học thường rất nặng, cần phải điều trị ngay, nếu chậm trễ sẽ gây tử vong.

Văn Đức
.
.
.