Phấn đấu sớm đưa vaccine COVID-19 vào tiêm cho người dân
- Các nước giàu dự trữ thừa hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19
- Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư đồng ý chủ trương mua vaccine COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp
Tiến độ nghiên cứu vaccine “Made in Việt Nam” đang được rút ngắn 50%, dự kiến sẽ về đích trước 3 tháng. Đây là những tín hiệu đáng mừng, bởi chỉ có vaccine tiêm phòng cho người dân, tạo miễn dịch cộng đồng mới thì mới chấm dứt được đại dịch COVID-19.
Theo tính toán của Bộ Y tế, nước ta cần có 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 mới tiêm đủ cho người dân trong năm 2021. Tuy nhiên, năm nay, chúng ta mới đàm phán mua và được viện trợ tổng số 60 triệu liều vacine.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã đàm phán với Liên minh toàn cầu về vaccine, chương trình COVAX facility – một cơ chế được thiết lập nhằm bảo đảm các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine phòng COVID-19, COVAX đã cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine trong năm 2021, chủ yếu trong 6 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đàm phán với Công ty AstraZeneca của Anh và công ty này cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều cho Việt Nam trong năm nay. AstraZeneca là vaccine đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu có điều kiện.
Trong đó, 204.000 liều đầu tiên của AstraZeneca dự kiến có mặt tại Việt Nam vào ngày 28/2 tới. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga... để có thêm vaccine tiêm đủ cho người dân.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố đã có kế hoạch trích ngân sách để mua vaccine COVID-19, trong đó Hà Nội cho biết, sẽ mua vaccine tiêm cho toàn dân. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, các tỉnh muốn mua vaccine cũng phải thông qua Bộ Y tế trình Chính phủ phê duyệt, từ đó điều tiết để đảm bảo công bằng.
Song song với việc đàm phán mua vaccine từ nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh quy trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, để đảm bảo mọi người dân đều được sử dụng vaccine.
Hiện nay, chúng ta có 3 đơn vị nghiên cứu vaccine tiềm năng là NANOGEN, IVAC và VABIOTECH. Hiện, có 2 đơn vị đang thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 là NANOGEN và IVAC. Trong đó, NANOGEN đã hoàn thành xong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19. |
Tại buổi báo cáo tiến độ sản xuất vaccine với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ngày 19/2, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn 1 thử nghiệm có kết quả an toàn, không có biến cố bất lợi, nghiêm trọng nào.
Dự kiến vào ngày 26/2, NANOGEN bắt đầu tiêm mũi thử nghiệm đầu tiên giai đoạn 2 tại Học viện Quân y và tại Bến Lức, Long An (do Viện Pasteur TP HCM tham gia nghiên cứu) với 560 tình nguyện viên. Việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, thay vì 6 tháng còn 3 tháng.
Hiện, số lượng tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 đã lên tới gần 1.000 người, cơ quan chức năng đang tiến hành sàng lọc, lựa chọn đối tượng đủ tiêu chuẩn.
Đối tượng tiêm giai đoạn 2 là người trên 65 tuổi và có bệnh mãn tính kèm theo như tiểu đường, huyết áp… Nếu đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi thử nghiệm thứ 2 và đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.
Giai đoạn 3, vaccine Nano Covax của NANOGEN sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 – 15.000 người, đối tượng tham gia được mở rộng để đảm bảo tính phổ rộng của vaccine.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ đã cố gắng tối đa rút ngắn quy trình nghiên cứu, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo tính an toàn, khoa học. Để chuẩn bị cho giai đoạn 3 thử nghiệm, Bộ Y tế đã kết nối, liên hệ với một số nước đang có dịch như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh để có thể thử nghiệm sớm hơn ở các nước ngoài Việt Nam, bảo đảm tính khách quan và khoa học.
Nếu quy trình diễn ra suôn sẻ và vaccine chứng minh được hiệu quả miễn dịch, cuối năm 2021 Việt Nam có vaccine phòng COVID-19 đầu tiên.