Xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh:

Phải đảm bảo minh bạch giữa công và tư

Thứ Sáu, 09/10/2015, 07:50
Tại hội nghị bàn về đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong hoạt động khám, chữa bệnh (KCB) tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thực trạng đầu tư cơ sở y tế hiện nay còn thấp, mới chỉ đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân, trong khi theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế phải là 39 giường/10 vạn dân.
Hầu hết các bệnh viện (BV) đều có công suất sử dụng giường bệnh cao do chưa được mở rộng từ năm 1975, trong khi dân số tăng nhiều, khiến tình trạng bệnh nhân nằm ghép phổ biến. Đặc biệt giường bệnh ở các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi… còn thấp. Tình hình này khiến bệnh nhân ở BV Việt Đức phải chờ mổ lâu, ra viện sớm, nằm ghép; ở BV Nhi TW cũng quá tải… Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, mà chỉ có huy động xã hội hóa mới đáp ứng.

Chờ tiền ngân sách sẽ lâu và không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế, nhiều BV đã năng động vay vốn để đầu tư và rất hiệu quả. Bộ Y tế đã phê duyệt một số dự án đầu tư với nguồn vốn ngân sách chỉ khoảng 30% và vốn vay chiếm khoảng 70%, do các đơn vị chịu trách nhiệm trả gốc và lãi vay. Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ KHTC (Bộ Y tế), đã có 9 đơn vị đã vay khoảng 1.450 tỷ đồng: BV Việt - Đức, BV Phụ sản TW, BV Nội tiết, BV Tai Mũi Họng TW, BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BV TW Huế vv…

Nhờ nguồn vốn vay 240 tỷ đồng mà đầu năm 2015, tòa nhà kỹ thuật cao của BV Việt-Đức đã đi vào hoạt động, để BV có thêm 400 giường bệnh cùng các khu chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm hiện đại với 22 phòng mổ, trong đó 2 phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây là điều kiện để BV tăng cường hoạt động ghép tạng, cứu sống nhiều người bệnh. Người bệnh được hưởng các dịch vụ chất lượng cao, không phải nằm ghép, cũng không phải chờ mổ lâu.

Nhờ vốn vay, BV Việt-Đức có thêm 22 phòng mổ hiện đại, người bệnh không phải chờ lâu như trước.

Dù là công trình vay vốn, trả lãi, BV vẫn  dành 2/3 số giường bệnh cho người bệnh nghèo, người bệnh BHYT. BV TW Huế cũng là đơn vị mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng Trung tâm điều trị theo yêu cầu với 300 giường bệnh, 6 phòng mổ, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, thu hút người bệnh nhiều nơi trong và ngoài nước đến chữa bệnh. Chỉ sau một năm, Trung tâm đã KCB cho hơn 91.000 lượt người, góp phần ngăn việc “chảy máu” hàng tỷ USD do nhiều người ra nước ngoài điều trị.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, nếu đợi ngân sách thì 3-4 năm nữa các BV này cũng không thể hoàn thành. Mà việc vay vốn, hợp tác để xây dựng cơ sở hạ tầng trong BV công vừa nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, lại góp phần giảm quá tải BV.

Không chờ đợi ngân sách, nhiều BV còn chủ động liên doanh, liên kết để trang bị các thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống CT-Scanner, cộng hưởng từ, máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã làm cho trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam ngang với các nước tiên tiến trong khu vực. Người dân, cả người nghèo, đối tượng chính sách cũng được hưởng lợi vì được sử dụng các dịch vụ này, được BHYT thanh toán.

Mô hình phối hợp BV công –tư được thực hiện với hình thức BV công đóng góp đất, thương hiệu, còn nhà đầu tư rót vốn để xây dựng thành khu vực điều trị có chất lượng cao, phục vụ người có thu nhập, bước đầu cho thấy hiệu quả. Điều này khắc phục được tình trạng các BV công quá tải, cơ sở vật chất, trang thiết bị kém, thì hệ thống BV tư chỉ đạt công suất giường bệnh 20-61%. Ông Đào Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT BVĐK Đồng Nai, đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thực hiện mô hình BV công – tư, cho biết: BV công phi lợi nhuận là để phục vụ người bệnh thu nhập thấp, còn BV công – tư để phục vụ người có thu nhập cao, đáp ứng mọi yêu cầu từ nằm phòng bệnh tập thể hay phòng VIP, bác sĩ nước ngoài mổ hay các chuyên gia trong nước. Quan trọng là phải hạch toán độc lập giữa công và tư, đảm bảo tính minh bạch.

Tuy nhiên, bước đầu thực hiện xã hội hóa, kết hợp công-tư trong hoạt động KCB, vẫn còn những vướng mắc cần sớm khắc phục: Trong liên doanh, liên kết trang thiết bị, nhiều đơn vị chưa sử dụng hợp lý trang thiết bị y tế, dẫn đến lạm dụng xét nghiệm cận lâm sàng, hoặc chất lượng trang thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn. Có đơn vị chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục xã hội hóa theo quy định, chưa quan tâm đầy đủ công tác kiểm tra, giám sát …

Bên cạnh đó, nhiều BV chưa mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư, do trách nhiệm và rủi ro cao khi nhiều BV xây 3-4 năm mới xong, thời gian trả nợ ngắn, lãi suất cao trong khi quy định khấu hao 30-40 năm, phải khấu hao nhanh thì mới có nguồn trả mà tính đầy đủ chi phí thì giá dịch vụ sẽ cao, trong khi giá BHYT thanh toán chưa có khấu hao.

Để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và của chính BV, đại diện các đơn vị đều thống nhất: Các hoạt động KCB theo yêu cầu phải sử dụng vốn vay, vốn huy động cần tổ chức độc lập với khu vực KCB thông thường và đảm bảo tính minh bạch.

Thanh Hằng
.
.
.