Phải công khai giá và cấm ép người bệnh sử dụng dịch vụ thuê ngoài ở bệnh viện

Thứ Ba, 18/10/2016, 14:55
Vụ việc bảo vệ ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi 9 tháng tuổi sắp tử vong về nhà hồi tháng 7-2016 đã tạo nên một cơn “rung chấn” mạnh mẽ trong dư luận và làm rõ thêm “mảng tối” trong hoạt động dịch vụ thuê ngoài ở các BV.

Trước đó, đã có nhiều bài báo phản ánh về hoạt động lộn xộn trong các dịch vụ thuê ngoài tại các BV, như xe cấp cứu dởm vây BV ở Đà Nẵng, đường dây giả xe cứu thương ở BV Chợ Rẫy, giá trông giữ xe ở BV ngoài tầm kiểm soát, photo giấy tờ trong BV giá gấp 10 lần ở thị trường vv…

Hiện nay, hầu như BV nào cũng có một số lượng lớn các dịch vụ do các đối tác bên ngoài BV cung cấp như: bảo vệ, trông xe, ăn uống, vận chuyển người bệnh và nhiều dịch vụ thiết yếu khác nữa nhằm hỗ trợ người bệnh khi nằm viện. Nhiều BV đã triển khai hiệu quả mô hình này với việc chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, giảm chi phí đầu vào; nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng KCB.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều BV tổ chức dịch vụ thuê khoán ngoài không tốt, gây phiền hà cho người bệnh và người nhà, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của BV và uy tín của ngành y tế, như nhiều vụ nổi cộm mới đây.  Vì vậy, việc chấn chỉnh hoạt động dịch vụ thuê khoán ngoài ở BV là đòi hỏi cấp thiết, nhằm quản lý chặt chẽ dịch vụ này.

Nhiều BV còn để các dịch vụ thuê ngoài hoạt động không kiểm soát được

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong dịch vụ thuê khoán ngoài  ở BV, giải pháp trước tiên là phải xác định dịch vụ thuê khoán ngoài có tính chuyên nghiệp, giá cả hợp lý và người bệnh hài lòng.

Muốn thế, phải tổ chức đấu thầu công khai với các tiêu chí đã có kinh nghiệm phục vụ tốt tại một hay nhiều BV tương đương, có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Việc công khai minh bạch trong lựa chọn nhà cung cấp rất quan trọng, trong đó, đòi hỏi phải công khai ngay trong lãnh đạo BV, công khai với nhân viên và nhất là với người bệnh. Giá dịch vụ cũng phải được công khai minh bạch tại nơi cung cấp dịch vụ và đến các khoa phòng, đặc biệt phải tôn trọng quyền lựa chọn của người bệnh.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Điều này đòi hỏi BV thuê khoán ngoài phải thường xuyên kiểm tra giám sát và coi số nhân viên này như một bộ phận của BV để quản lý. BV phải công khai đường dây nóng để người bệnh phản hồi về chất lượng dịch vụ và xử lý các trường hợp để người bệnh phàn nàn, hay tái phạm, mới giám sát được chất lượng dịch vụ.

Nhận rõ tác động xấu của các dịch vụ thuê khoán ngoài ở các BV nếu tổ chức không tốt, sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, đồng thời gây phiền hà, thậm chí, thiệt hại đến quyền lợi của người dân, Bộ Y tế đã chỉ đạo các BV phải tuân thủ qui định về việc quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại BV của Bộ Y tế, bắt đầu từ ngày 18-10-2016.

Bộ Y tế nghiêm cấm ép bệnh nhân sử dụng dịch vụ thuê ngoài ở BV

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, dịch vụ thuê, khoán bên ngoài được lựa chọn phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, chất lượng với chi phí hợp lý phù hợp với điều kiện của BV, đáp ứng được nhu cầu của BV, của người bệnh và gia đình người bệnh. Nhất là phải tổ chức thu và sử dụng nguồn thu công khai, minh bạch.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV khi thuê khoán ngoài ở BV, phải đảm bảo các điều kiện về xử lý khi vi phạm các nguyên tắc, nội dung đã được ký kết như cung cấp dịch vụ kém chất lượng so với cam kết trong hợp đồng, hay không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật về cung cấp dịch vụ; thu không đúng với giá niêm yết, hoặc cao hơn giá thị trường; người bệnh phàn nàn về tinh thần, thái độ phục vụ vv…

Đặc biệt, nhân viên thực hiện các dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại BV phải được BV đào tạo, tập huấn và được cấp chứng chỉ về quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp. Nghiêm cấm các hành vi ép buộc người bệnh, gia đình người bệnh. Đơn vị cung cấp dịch vụ phải công khai bảng giá dịch vụ cho người bệnh và gia đình người bệnh, có chính sách ưu đãi đối với một số đối tượng người đặc biệt.

Để tránh việc tự tung tự tác, ép giá với người bệnh và người nhà bệnh nhân như đã từng xảy ra, Bộ Y tế yêu cầu các BV phải quản lý giá dịch vụ, không để đơn vị cung cấp dịch vụ tự định giá. Một số giá dịch vụ phải thực hiện theo quy định của Nhà nước như giá trông giữ xe thực hiện theo quy định của UBND tỉnh quy định (theo Luật phí, lệ phí).

Toàn bộ tiền thu được từ hợp đồng cung cấp dịch vụ do BV quản lý và hạch toán, không giao cho cá nhân quản lý nguồn thu và hạch toán không qua hệ thống báo cáo tài chính của BV.  Bộ Y tế cũng khuyến khích các BV nghiên cứu để cung cấp một số dịch vụ miễn phí cho người bệnh và người nhà người bệnh.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến yêu cầu, để tránh tình trạng bắt ép người bệnh sử dụng dịch vụ với giá cao, BV phải quản lý chất lượng dịch vụ, giá của các dịch vụ và không giao khoán toàn bộ cho đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi phát hiện việc thực hiện các dịch vụ thuê ngoài không đảm bảo cam kết, có hành vi gây khó khăn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân hoặc thu phí không đúng theo quy định, BV phải chấn chỉnh hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Thanh Hằng
.
.
.