Oi bức, làm gì để không phải ôm con vào viện?

Thứ Ba, 30/04/2019, 21:42
Thời tiết nắng nóng, vào những ngày này tại khu vực TP HCM khiến số bệnh nhi nhập viện do bị bệnh dưới tác động trời nóng tăng mạnh. Các bậc cha mẹ cần làm gì để giữ con khỏe mạnh trong thời tiết này?

Trong tuần qua tại BV Nhi Đồng 1, các bác sĩ cho hay, số trẻ đến khám và nhập viện trong những ngày này đều gia tăng. Trong đó được chẩn đoán phát hiện mắc các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn chất điện giải, nôn ói. 

Tỉ lệ tăng hơn hẳn so với tháng trước là từ 10-15% với gần 5.000 bệnh nhi đến khám. Còn trước đó, từ giữa tháng 4-2019 tới nay, BV này cũng tiếp nhận khoảng từ 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám mỗi ngày.

Tại BV Nhi Đồng 2 lại ghi nhận nhiều trẻ đến khám và nhập viện trong tình trạng  viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi; thậm chí có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt...

BV Nhi đồng 1 tiếp nhận nhiều trẻ bị bệnh lý hô hấp nặng phải nằm theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực.

Ngày 28-4, trao đổi với PV báo CAND, BS CK II Nguyễn Minh Tiến, Phó GĐ BV Nhi thành phố cho hay, trẻ em là đối tượng có sức đề kháng còn kém trong thời tiết nắng nóng càng tạo ra điều kiện  cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể các bé. Ở những trẻ nhỏ có bệnh nền như suy thận, ung thư, ...thì càng có nhiều nguy cơ bệnh nặng hơn.

Trong mấy ngày qua, BV Nhi thành phố, số trẻ nhi nhập viện do rối loạn tiêu hoá và hô hấp tăng hơn 10 % so với tháng trước. Nguyên nhân rối loạn tiêu hoá qua tìm hiểu từ các trường hợp trẻ được cha mẹ đưa tới khám cho thấy, do thời tiết quá nóng, thức ăn để không cẩn trọng nên dễ bị thiu khi cho trẻ ăn nên bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Trong khi đó, bệnh lý hô hấp xảy ra do trẻ hoạt động nhiều khi chơi ngoài trời, rồi vào phòng máy lạnh dẫn đến thay đổi nhiệt độ đột ngột, nên dễ bị bệnh hô hấp cấp, ho, sổ mũi, sốt…

Trẻ bị bệnh lý hô hấp cũng còn do nóng quá nên khi cho con đi ngủ, cha mẹ mở máy lạnh ở nhiệt độ lạnh nhiều, mà quên, để cả đêm con nằm trong nhiệt độ máy lạnh như vậy nên trẻ bị bệnh.

Qua những điều trên, BS Tiến cho rằng, vào ngày oi bức như hiện nay, đừng thấy trẻ vẫn ăn uống bình thường mà chủ quan. Khi mà nhiệt kế trong nhà tới trên 33-35 độ C, nhưng ngoài đường có thể vọt lên tới 40 độ C tại khu vực TP HCM.

Ngoài chuyện nắng nóng, chơi đùa ngoài nắng rồi đột ngột chạy vào phòng máy lạnh gây cho trẻ bị bệnh, thức ăn mùa nóng cũng có thể trở thành thủ phạm làm cho trẻ không còn vui đùa được vì bị vi khuẩn xâm nhập, hoành hành.

Sau khi nấu xong, nếu cha mẹ để lâu bên ngoài trong thời tiết quá nóng nên thức ăn bị hư hỏng và nhiễm vi khuẩn, hay thậm chí để lâu, côn trùng như ruồi đậu vào thức ăn của trẻ.

Theo BS Tiến, nhiều bậc cha mẹ chủ quan cứ nghĩ trẻ vẫn ăn, chơi đùa mà không nghĩ chỉ trong vòng vài tiếng sau khi các bé chạy ngoài nắng nóng, hoặc sau khi ăn phải món ăn hơi có mùi chút xíu, thì tới chiều tối là có khi mẹ đã phải "ôm con" chạy nhanh vào viện vì những triệu chứng bệnh nổi lên "ầm ầm".

Nắng nóng, Bệnh nhi nhập viện đều gia tăng từ 10-15% so với tháng trước.

Để phòng bệnh, BS Tiến cho rằng cần cho trẻ ăn uống chín, sạch sẽ, tốt nhất là nấu bữa nào ăn bữa đó. Ngoài ra các phụ huynh cũng cần lưu ý chuyện cho tiền trẻ ăn uống bên ngoài nhằm tránh bị ngộ độc thức ăn.

Một điều đáng lưu ý nữa là cha mẹ chớ quên đưa trẻ chích ngừa theo lịch định kỳ. Trong tình trạng nắng nóng, cũng là điều kiện dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh. Vừa qua, BV Nhi Thành phố cũng tiếp nhận vài trường hợp trẻ chưa chích ngừa đầy đủ các mũi theo lịch định kỳ nên bị bệnh và dẫn đến viêm màng não.

Trong thời gian từ tháng 5  tới tháng 10 cũng là mùa đỉnh điểm trong năm của bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, do đó phụ huynh cần chú ý không chủ quan với hai loại bệnh này.

Ngoài ra, cần giữ bé vui chơi trong môi trường mát, cần giữ cho bé ở nhiệt độ ổn định, không thay đổi nhiệt độ đột ngột, cho trẻ mặc quần áo mỏng thoáng bằng coton màu trắng. Cần cho trẻ uống nước đầy đủ, hạn chế chơi lâu ngoài nắng nóng. Nên cho bé ăn uống đồ mát, không ăn nhiều đồ ngọt dễ bị nhiệt nổi mụn, nhiệt miệng.

H.Nga-N.Sơn
.
.
.