BV Bạch mai hết phong toả, thế giới gần 1,8 triệu người mắc COVID-19

Chủ Nhật, 12/04/2020, 07:32
Việt Nam chỉ ghi nhận thêm một ca nhiễm COVID-19 mới trong 24h qua, là một người dân tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Trong khi đó, thế giới tiếp tục phát hiện hàng chục ngàn bệnh nhân mới, nâng tổng số ca nhiễm lên gần 1,8 triệu.


Thêm một ca bệnh từ Hạ Lôi, Bạch Mai được dỡ phong toả

Sáng nay (12/4), Bộ Y tế không thông báo thêm ca nhiễm COVID-19 mới.  Ngày 11/4, Bộ Y tế thông báo có thêm một ca dương tính với COVID-19 được ghi nhận, là người phụ nữ 47 tuổi sống ở thôn Hạ Lôi, huyện Mê Linh, Hà Nội. Bà là mẹ bệnh nhân 15 tuổi được xác nhận trước đó một ngày.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.

Ca nhiễm mới này nâng tổng số người mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 258, trong đó 114 người đang điều trị, 144 người đã khỏi. Trong số 114 người đang điều trị có 25 người xét nghiệm âm tính từ một lần với COVID-19.

Hà Nội hiện vẫn là địa phương có số ca nhiễm nhiều nhất, 109 ca. Trong đó bệnh viện Bạch Mai và thôn Hạ Lôi là hai "ổ dịch" lớn nhất. Đêm 12/4, bệnh viện Bạch Mai đã được dỡ bỏ phong toả, trong khi thôn Hạ Lôi tiếp tục được cách ly. Thôn Hạ Lôi hiện có 6 ca nhiễm COVID-19.

Cả nước đến nay có 72.508 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.198 trường hợp; 17.519 trường hợp cách ly tập trung tại cơ sở khác và 53.791 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Đáng chú ý, ngày 11/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã gửi công văn khẩn tới Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xét nghiệm COVID-19, trong đó nêu rõ không tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 dịch vụ theo yêu cầu mà theo chỉ định.

Gần 1,8 triệu người nhiễm COVID-19 trên thế giới

Dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trong 24h qua, với tình hình tại một số tâm dịch như Italia, Tây Ban Nha hạ nhiệt, nhưng "nóng" lên trông thấy tại Anh. Toàn thế giới có 1.778.210 ca nhiễm, tăng 79.300 ca so với trước đó một ngày; và 108.755 ca chết vì COVID-19, tăng 6.068 ca.

Thống kê  số ca nhiễm và tử vong vì  COVID-19 tại 5 ổ dịch lớn nhất thế giới.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn nửa triệu người nhiễm bệnh, tăng 33.633 ca sau một ngày, với 20.562 ca tử vong, tăng 1.815 trường hợp, với tiểu bang New York là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất với 181.000 ca nhiễm, 8.672 ca tử vong.

Con số này hạ nhiệt hơn ngày hôm qua, khi Mỹ chứng kiến quá 2.000 cả tử vong do COVID-19, song các chuyên gia y tế cảnh báo số người chết tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 vào mùa hè nếu các biện pháp hạn chế đi được gỡ bỏ.

Tổng thống Donald Trump hôm 10/4 nói rằng ông đang đối mặt với quyết định khó khăn nhất trong sự nghiệp chính trị của mình đó là xác định thời điểm mở cửa lại nền kinh tế Mỹ.

Người nhiễm COVID-19 được điều trị ở Italia. Ảnh:  INT

Tây Ban Nha và Italia, hai tâm dịch thứ hai và thứ ba thế giới, ghi nhận lần lượt 4.754 và 4.694 ca nhiễm mới; 525 và 619 người chết trong 24h, nâng tổng số ca nhiễm lên lần lượt 163.027 và 152.271. Tổng số ca tử vong vì dịch tại hai nước này là 16.606 và 19.468. 

Chính phủ Tây Ban Nha kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc tới ngày 25/4 và có thể gia hạn. Trong khi Italia, cũng nới rộng thời gian phong toả toàn quốc đến tháng 5.

Pháp là vùng dịch lớn thứ tư thế giới, với 129.654 người dương tính COVID-19 và 13.832 người chết, tăng lần lượt 4.785 và 635 ca so với hôm trước. Pháp phong tỏa toàn quốc đến 15/4, song sẵn sàng gia hạn thời gian này.          

Anh là vùng dịch lớn thứ năm châu Âu với 78.991 người nhiễm. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tăng thêm 917, nâng số người chết lên 9.875. Các chuyên gia Mỹ cảnh báo Anh sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng lớn nhất vì COVID-19 ở châu Âu, có thể chiếm hơn 40% ca tử vong ở châu lục.

Thủ tướng Anh Boris Johnson có diễn biến sức khoẻ tốt sau khi nhiễm COVID-19. Ảnh: ITN

Đức báo cáo thêm 2.117 ca nhiễm, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 lên 124.288, trong đó 2.767 người đã chết. Các nước châu Âu khác phát hiện thêm từ vài trăm đến gần 2.000 ca nhiễm mới.

Châu Á không báo cáo số lượng bất thường nào. Iran vẫn là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 70.029 ca nhiễm và 4.357 người chết. Trong khi đó, Ấn Độ đang quyết tâm siết chặt cách biệt cộng đồng để ngăn dịch lây lan. Nước này có 8.446 người nhiễm COVID-19, 288 ca tử vong.

Tại Đông Nam Á, Malaysia hiện ghi nhận 4.530 ca nhiễm, nhiều nhất khu vực. Nước này chứng kiến 73 ca tử vong. Indonesia là nước có số người chết cao nhất Đông Nam Á với 327 trường hợp, tăng 21 ca sau một ngày, trong tổng số 3.842 ca nhiễm.

Thiện Nhân
.
.
.