Nước uống có đường-nguyên nhân béo phì và bệnh tật

Thứ Sáu, 22/06/2018, 11:18
Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Tại TP Hồ Chí Minh tỉ lệ này lên tới 10,8%. Tỷ lệ béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi tăng nhanh từ 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Một trong những nguyên nhân chính do chế độ ăn uống thừa năng lượng mà điều này có liên quan đến các đồ uống có đường, đặc biệt là ở trẻ em. 


Điều này được các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra tại hội thảo công bố các khuyến nghị của WHO nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-6.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều muối, nhiều đường, chất béo, ăn ít rau và trái cây, lười vận động là các yếu tố làm tăng các bệnh không lây nhiễm hiện nay trong đó mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh nhất ở các nước phát triển. Đồ uống uống có đường rất đa dạng và được trẻ em yêu thích, khiến việc tiêu thụ sản phẩm này tăng nhanh, gấp 7 lần trong 15 năm qua.

Điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62.86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát. Riêng với trẻ em, theo ông Trương Đình Bắc, kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013 chỉ ra, tỉ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa tuổi 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó nam là 35,1%, trẻ gái là 27,6%.

Theo một nghiên cứu mới đây, trong số 4.079 triệu lít nước ngọt được tiêu thụ, trà uống liền được tiêu thụ nhiều nhất (hơn 2.000 triệu lít), tiếp đến là nước uống có ga (hơn 1.000 triệu lít), đồ uống thể thao (gần 600 triệu lít), nước tăng lực và nước uống trái cây (gần 360 triệu lít). Khảo sát cũng cho biết thị trường đồ uống có ga tại Việt Nam tăng nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng bình quân 9,2%.

Theo đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia, đồ uống có đường mang lại cảm giác sảng khoái, ăn ngon miệng hơn và ăn được nhiều hơn, nhất là các đồ nướng, rán. Tuy nhiên sử dụng đồ uống có đường sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm: thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương gây ra những biến chứng nặng nề như tim mạch. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay (chiếm 33%/73% nguyên nhân tử vong hàng năm).

Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự hội nghị

Trong một ngày nếu đứa trẻ chỉ uống một lon nước ngọt khoảng 330 ml thì đã hấp thu lượng lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều. Theo WHO, một chế độ ăn uống trung bình hàng ngày có chứa 2.000 kcal, 10% tổng lượng kcal tương đương với 50 gr đường tự do hoặc 12,5 muỗng cafe đường. WHO khuyến cáo cần giảm lượng tiêu thụ đường này xuống dưới 5% tổng kcal tiêu thụ mỗi ngày (25 gr). Nếu trong ngày đứa trẻ uống 1 lon nước ngọt thì đã hấp thu lượng lượng đường vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều. Một lon nước ngọt khoảng 330 ml chứa khoảng 36 gr đường tự do. Các nghiên cứu cho thấy lứa tuổi 13- 17 tiêu thụ nước uống có ga nhiều nhất.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường là một trong các nguyên nhân gây béo phì và bệnh mạn tính không lây. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi thường xuyên uống nước ngọt thì nguy cơ béo phì tăng 43%. Một nghiên cứu cho thấy, những phụ nữ uống hơn một lon nước ngọt mỗi ngày đã tăng 8kg, trong khi những người giảm tiêu thụ nước ngọt chỉ tăng 2,8kg. Với mỗi lon nước ngọt uống thêm mỗi ngày, nguy cơ béo phì tăng 60% trong 1,5 năm.

 Những người thường xuyên uống 1 lon đồ uống có đường trở lên mỗi ngày tăng 26% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 so với những người ít khi uống; có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gấp 2 lần so với những người không thường xuyên. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa việc tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nam giới uống 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cáo hơn 20% người ít khi uống. Người uống 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gút cao hơn 75% so với người không uống. Các chuyên gia cũng khẳng định mối quan hệ giữa đồ uống có đường với bệnh ung thư đại trực tràng, túi mật, thận, gan, thực quản, buồng trứng vv…

Chuyên gia của WHO công bố các khuyến nghị nhằm kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường, 

TS. Jun Nakagawa, Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, để giảm béo phì và các bệnh liên quan đồ uống có đường, các doanh nghiệp cần phải dán nhãn sản phẩm, nhằm cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại nhất định cho sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ do giá cao hơn; đồng thời hạn chế quảng cáo đồ uống có đường. Ngoài ra, để hạn chế đồ uống có đường, cần nâng cao nhận thức về đồ uống có đường; người dân cần quan tâm sử dụng thức ăn có lợi cho sức khỏe như rau, hoa quả.

Phân tích rõ hơn hiệu quả của việc  áp thuế tiêu thụ đặc biệt sử dụng đồ uống có đường, TS. Guillermo Paraje, chuyên gia tư vấn ngắn hạn của WHO cho rằng, Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào đồ uống có đường mà chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Do vậy TS. Guillermo Paraje đưa ra 4 phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường, nhằm làm giảm tác động số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ bỏ tiêu dùng, giảm tiêu dùng, hoặc đồ uống có đường chưa trong bao bì nhỏ hơn).




Thanh Hằng
.
.
.