Nữ thầy thuốc nhân dân và những ca cứu mạng bệnh nhân

Thứ Ba, 28/02/2017, 08:03
Bác sỹ Quách Thị Cần hay chia sẻ với học trò của mình rằng, người thầy thuốc đòi hỏi phải có cả y đức và y thuật. Nếu chỉ có y đức thì người bệnh không được cứu chữa kịp thời; thiếu y đức mà chỉ dựa vào tay nghề thì sẽ lệch lạc, dễ phạm sai lầm. Đã mặc áo blouse thì phải có tâm, nhưng quan trọng hơn cả là phải có đam mê, đam mê sẽ nuôi lớn khát vọng và ý chí...

Cuộc đời chữa bệnh cứu người của các bác sỹ đã cho tôi nhiều cảm xúc rung động. Tôi cảm nhận rằng, dù trong bất luận hoàn cảnh nào, mục tiêu tối thượng của bác sỹ vẫn là cứu người bệnh khỏi lưỡi hái tử thần. Những thiệt thòi, hy sinh, thậm chí phải trả giá của họ còn cho tôi bài học về khát vọng đam mê, về bản lĩnh nghề nghiệp và cả về cách ứng xử giữa con người với con người.

Và hôm nay, cảm xúc đó lại ùa về trong tôi khi ngồi trò chuyện với PGS.TS Quách Thị Cần, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, người vừa vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.

Đến nay, bác sỹ Quách Thị Cần đã có 23 năm gắn bó với cấp cứu tai mũi họng. Cấp cứu vốn là một lĩnh vực cực khó, là “xử lý tình huống trong gang tấc”, đòi hỏi tay nghề cứng cỏi, trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng.

Niềm vui của bác sỹ Quách Thị Cần và các thầy thuốc Khoa Cấp cứu khi bệnh nhân Nguyễn Thu Phương, 11 tuổi (Lâm Thao, Phú Thọ) sắp được xuất viện (Ảnh chụp sáng 27-2-2017).

Với cấp cứu tai mũi họng lại càng khó, vì đặc thù gắn với đường thở. Chỉ cần chậm vài phút, thậm chí vài chục giây là bệnh nhân sẽ ngạt thở, gây tử vong. Kỷ niệm làm nghề của một thầy thuốc gần như cả cuộc đời gắn với cấp cứu như bác sỹ Cần chính là những lần chị và đồng nghiệp chạy chân đất để cấp cứu bệnh nhân. Chị tận dụng tối đa từng giây phút quý báu để làm sao người bệnh được giải phóng khỏi cơn ngạt thở nhanh nhất.

Có lần bác sỹ Cần đang mổ một ca khó giữa trưa nóng ngột ngạt thì chị nghe tiếng một bác sỹ thất thanh: “Đề nghị các bác sỹ dừng tay cấp cứu!”. Chị chạy ra thì thấy một bệnh nhân người tím đen, sắp ngạt thở, còn các bác sỹ hồi sức đang bối rối chưa tìm được cách đặt đường thở cho người bệnh. Chị lao đến, phát hiện vết cắt ở cổ bệnh nhân có dây thanh quản bị lệch, máu ứ đọng phình to. Chị kêu lên: “Đưa tôi con dao”.

Cầm con dao, chị rạch thanh quản của bệnh nhân, tức thì máu vọt ra, không còn gây chèn ép đến đường thở. Khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, bác sỹ Cần lại quay lại ca mổ dở dang và kịp nghe thấy một đồng nghiệp nói: “Bệnh nhân sống rồi, đặt được ống thở rồi”.

Sau này, ca xử trí thông minh, chuẩn xác đó của bác sỹ Cần được các đồng nghiệp nhắc đến như một kinh nghiệm quý giá trong cấp cứu bệnh lý tai mũi họng. Chị bảo, cách xử lý đó thầy không dạy chị, không có trong bài giảng, mà do phản xạ nghề nghiệp và nhạy cảm lâm sàng mà chị được tôi luyện từ những năm tháng làm ở Khoa cấp cứu. Chị không biết bệnh nhân đó là ai và họ cũng không biết người thầy thuốc nào đã cứu họ trong gang tấc đó.

Bác sỹ Quách Thị Cần nói với tôi, bệnh nhân của chị đa phần là bệnh nhân nghèo. Những bệnh lý về tai mũi họng, nếu xảy đến với người nghèo thì họ rất chủ quan, lại ít có điều kiện thăm khám thường xuyên nên hay để xảy ra biến chứng, lúc nhập viện thì rất nặng. Khi kể lại cho chúng tôi nghe kỷ niệm với người bệnh, bác sỹ Cần liên tục lau nước mắt.

Chị bảo, nếu không yêu thương bệnh nhân thì không thể làm bác sỹ được; bệnh nhân khi đến với mình là họ đã hết cách nên người thầy thuốc hãy coi người bệnh như người thân của mình, phải cứu họ bằng tất cả khả năng.

Miệt mài đúc rút kinh nghiệm, bác sỹ Cần đã vận dụng sáng tạo nhiều kỹ thuật y khoa tạo đường thở, trực tiếp cứu hàng trăm bệnh nhân khó thở do chấn thương nặng.

Đó là câu chuyện đáng thương của một cháu nhỏ ở Quảng Nam. Em theo mẹ lên nương làm rẫy và nhặt được một quả mìn mang về nhà chơi. Quả mìn nổ, một em ở nhà chết tại chỗ, còn em bé này bị thương nặng, dập thanh quản phải đưa ra Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu. Bác sỹ Cần đã lấy sụn sườn ghép thanh quản tạo đường thở cho em. Sau đó em rút được ống thở và trở lại cuộc sống, được đi học.

Một bệnh nhân khác ở Hải Phòng, 22 tuổi có hoàn cảnh rất éo le. Do bị sặc bột từ bé nên 22 tuổi là 22 năm bệnh nhân đó đeo ống thở. Đặc biệt, bệnh nhân này chưa nói được một từ nào. Bác sỹ Cần đã lấy sụn sườn, tạo đường thở bằng kỹ thuật tạo hình thanh quản cho bệnh nhân và sau 22 năm “im lặng”, bệnh nhân này đã cất được tiếng gọi “Mẹ ơi!” ngay tại giường.

Nghe tiếng nói của người bệnh “đặc biệt” đó, dù còn khàn khàn nhưng bác sỹ Cần vui mừng khôn xiết. Sau này, chị đã đưa trường hợp này vào báo cáo khoa học của mình và nó “đặc biệt” đến nỗi, một giáo sư ở Viện Ngôn ngữ học phải thốt lên: “Riêng dây thanh quản của bệnh nhân này có thể làm được một đề tài khoa học”.

Bác sỹ Quách Thị Cần đang thăm khám cho một bệnh nhân.

Bác sỹ Cần chia sẻ, bệnh nhân bị nhiễm trùng tai mũi họng, gây biến chứng rất nhiều. Nhiều người bị viêm tai giữa, nhưng chủ quan không thăm khám gây áp xe não, viêm màng não. Có một bệnh nhân bị áp xe não do viêm tai, nhưng bệnh nhân này bị nhiễm HIV. Cũng có ý kiến do dự không muốn phẫu thuật cho bệnh nhân này vì khi mổ đầu mặt cổ sẽ phải dùng kỹ thuật khoan, khi khoan thì bụi xương sẽ bay lên nhiều, có khả năng gây phơi nhiễm HIV cho bác sỹ. Nhưng với bản năng của người thầy thuốc là phải cứu người, bác sỹ Cần vẫn quyết định mổ cho bệnh nhân vì “nếu tôi không mổ thì sẽ không ai dám mổ” và ca mổ đã thành công mỹ mãn.

Đây là bệnh nhân HIV đầu tiên được phẫu thuật bài bản tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương mà bác sỹ Cần là người tiên phong. Sau đó, bệnh viện đã xây dựng quy trình mổ cho bệnh nhân HIV áp dụng trong toàn bệnh viện và biến thành kỹ thuật thường quy. Nhiều bác sỹ trẻ nhìn vào ca bệnh đó, nhìn vào sự quyết tâm của bác sỹ Cần mà không ngại khó, không đầu hàng trước bệnh lý hiểm nghèo.

Bác sỹ Quách Thị Cần trăn trở, có rất nhiều bệnh lý về tai mũi họng hi hữu, có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có, là hệ lụy của một đất nước đang phát triển. Đó là tai nạn lao động do bất cẩn, là tai nạn giao thông rình rập tính mạng, sức khỏe của biết bao người. Có không ít người đi xe máy gặp dây cáp điện thõng xuống, cứa đứt cổ phải vào viện và nhiệm vụ của bác sỹ Cần và đồng nghiệp phải cấp cứu, chữa trị để trả lại chức năng nói cho người bệnh.

Những sáng tạo y khoa, những kinh nghiệm máu thịt trong điều trị cấp cứu tai mũi họng được bác sỹ Cần nghiên cứu bài bản trong các công trình khoa học. Điển hình là công trình cấp Bộ do chị chủ trì “Xây dựng quy trình chẩn đoán và phác đồ xử trí chảy máu mũi khó cầm sau chấn thương” đã được nghiệm thu xuất sắc.

Bác sỹ Quách Thị Cần hay chia sẻ với học trò của mình rằng, người thầy thuốc đòi hỏi phải có cả y đức và y thuật. Nếu chỉ có y đức thì người bệnh không được cứu chữa kịp thời; thiếu y đức mà chỉ dựa vào tay nghề thì sẽ lệch lạc, dễ phạm sai lầm. Đã mặc áo blouse thì phải có tâm, nhưng quan trọng hơn cả là phải có đam mê, đam mê sẽ nuôi lớn khát vọng và ý chí, giúp người thầy thuốc vượt lên trên những khó khăn, chấp nhận hy sinh để phụng sự người bệnh một cách tốt nhất.

PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Quách Thị Cần nhiều năm được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 2011, bác sỹ Cần được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và năm 2014, chị được nhận Huân chương lao động hạng ba.

Bác sỹ Cần đã phẫu thuật hàng ngàn ca cấp cứu tai mũi họng mỗi năm, trong đó có nhiều ca nặng do bị chấn thương vùng đầu mặt cổ, nhiễm trùng vùng cổ sâu, hóc dị vật… Bác sỹ Cần đã áp dụng và cải tiến thành công nhiều kỹ thuật y khoa mới như: Kỹ thuật cắt dây thanh bán phần bằng phương pháp khâu phục hồi niêm mạc; phương pháp can thiệp kịp thời nhóm bệnh cấp cứu tai mũi họng mới xuất hiện…

Thu Phương
.
.
.