Nữ bệnh nhân viêm cơ tim được cứu sống ngoạn mục

Chủ Nhật, 18/08/2019, 14:02
Sáng 18-8, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sĩ Trung tâm vừa cứu sống bệnh nhân Nguyễn Thị H. (27 tuổi, trú ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) mắc chứng bệnh viêm cơ tim thể tối cấp (Fulminant myocarditis) với nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, ngày 31-7, nữ bệnh nhân H. được chuyển vào Bệnh viện Trung ương Huế với triệu chứng đau ngực, khó thở, sốt cao. Qua kiểm tra, xét nghiệm cho thấy bệnh nhân H. có men tim tăng, chức năng năng tim giảm còn 19%, có dịch màng ngoài tim. 

Nhận định đây là một trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp, sốc tim nặng, nguy cơ tử vong cao chỉ trong 1h tiếp theo nên các bác sĩ Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế quyết định đặt thiết bị oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO), A-V ngoại biên và bóng đối xung động mạch chủ (IABP) nhằm hỗ trợ chức năng sống cho bệnh nhân.

Các bác sĩ thực hiện hỗ trợ ECMO và bóng đối xung động mạch cho bệnh nhân H.

Sau khi được hỗ trợ ECMO, các chỉ số, tình trạng huyết động của bệnh nhân H. cải thiện tốt. Đến ngày thứ 6 kể từ khi can thiệp phương pháp trên, chức năng tim của bệnh nhân H. hồi phục tốt, hô hấp ổn định, toàn trạng bệnh nhân khá lên. Đến nay, bệnh nhân H. đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không có di chứng thần kinh.

Theo bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, dấu hiệu ban đầu của bệnh nhân bị viêm cơ tim rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng giống cảm sốt thông thường như mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn và thường gặp ở người trẻ tuổi nên người bệnh càng dễ chủ quan, coi nhẹ. 

Bệnh nhân H. đang hồi phục sức khỏe sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế tích cực điều trị.

Hậu quả của bệnh rất nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị tích cực kịp thời. “Vì thế, các bệnh nhân có triệu chứng viêm cơ tim cấp cần được nhanh chóng chuyển đến các cơ sở y tế có khả năng thực hiện hỗ trợ tuần hoàn cơ học ECMO để được chữa trị kịp thời. ECMO có thuận lợi là nhanh chóng có thể triển khai (trong vòng 20-30 phút) mà không phải mở xương ức. Đây là biện pháp duy nhất thích hợp cho cả trường hợp ngừng tuần hoàn để cứu sống bệnh nhân”, bác sĩ Uyên khuyến cáo.


Anh Khoa
.
.
.