Những nghiên cứu khoa học đã cứu sống nhiều người bệnh

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:47
Là một trong những bệnh viện (BV) đa khoa đầu ngành của Việt Nam, BV Bạch Mai luôn xác định nghiên cứu khoa học chính là cầu nối để cập nhật, ứng dụng kiến thức y học hiện đại, kỹ thuật tiên tiến vào trong chẩn đoán và điều trị bệnh, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. 


Với hàng trăm nghiên cứu khoa học do chính các giáo sư, bác sĩ tâm huyết, có trình độ chuyên môn cao của BV nghiên cứu và ứng dụng trong khám và điều trị, nhiều bệnh nhân nặng, hiểm nghèo tưởng không còn cơ hội sống đã phục hồi khỏe mạnh, về với gia đình. Tại hội nghị khoa học tổ chức ngày 21-1 với sự có mặt nhiều chuyên gia của Bộ Y tế và Bộ Khoa học-Công nghệ, gần 100 công trình khoa học tiêu biểu của BV Bạch Mai đã được kiểm nghiệm qua thực tế điều trị, được chính thức báo cáo. Đây chính là niềm hy vọng lớn cho người dân về cơ hội tiếp cận với công nghệ cao trong khám, chữa bệnh ngay tại Hà Nội.

GS. Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai đã thành công với việc nghiên cứu điều trị phình động mạch chưa vỡ bằng can thiệp nội mạch. Phình động mạch não chiếm khoảng 3-5% dân số, mà phần lớn khi chưa vỡ không có triệu chứng phát hiện nên khó phát hiện. Trong khi đó Việt Nam hiện chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập kết quả điều trị phình động mạch chưa vỡ.

Mạnh dạn áp dụng các biện pháp nút phình mạch bằng vòng xoắn kim loại, đặt stent đổi hướng dòng chảy, nút động mạch mang bằng bóng hoặc vòng xoắn kim loại…

GS. TS Mai Trọng Khoa kiểm tra bệnh cho bệnh nhân ung thư được điều trị bằng cấy hạt phóng xạ.

GS.Phạm Minh Thông và các bác sĩ đã mang lại niềm vui vô bờ cho các bệnh nhân khi tỉ lệ phục hồi rất cao, tới 97,26% và tỉ lệ tai biến rất thấp, chiếm 1,37%; thời gian điều trị ngắn nhất là 1 ngày và lâu nhất là 14 ngày. Kết quả này cho thấy, điều trị can thiệp nội mạch sẽ tránh cho túi phình bị vỡ có hiệu quả cao, cho phép ứng dụng rộng rãi, có lợi cho người bệnh.

Với kết quả điều trị bằng xạ phẫu dao gamma quay cho gần 3.000 bệnh nhân được chẩn đoán u sọ não và bệnh sọ não với các biểu hiện đau đầu, giảm thị lực, buồn nôn, giảm trí nhớ vv…, GS. TS. Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc BV Bạch Mai và các cộng sự đã mang lại hy vọng lớn cho các bệnh nhân mắc các bệnh này: Các trường hợp đều có cải thiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt và cải thiện ngay ở tháng đầu tiên sau xạ phẫu và cải thiện tốt ở tháng thứ 6 trở đi. Phương pháp này rất hữu ích cho những người khó hoặc không phẫu thuật được, mang lại thời gian và chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh. Hơn nữa, kỹ thuật này cũng cho phép áp dụng với tất cả các bệnh nhân, không kể lứa tuổi hay giới tính.

Sáng tạo trong phẫu thuật nội soi điều trị ung thư đại trực tràng của các bác sĩ Khoa Ngoại đã mang lại hiệu quả đáng kể với tính an toàn và tỉ lệ biến chứng thấp. Phẫu thuật cắt đại trực tràng trong bệnh ung thư là phương pháp duy nhất điều trị triệt để, nhưng ở Việt Nam, phẫu thuật nội soi tuy được thực hiện từ 2002, nhưng chưa được chấp nhận rộng rãi do lo ngại khả năng thực hiện qua nội soi kỹ thuật nạo vét hạch cũng như nếu khối u to.

Các bác sĩ của BV Bạch Mai đã mạnh dạn triển khai kỹ thuật này từ 2011 và kết quả bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Sau mổ, diễn biến của bệnh nhân thuận lợi, thời gian nằm viện ngắn hơn, nhiều nhất chỉ là 8,2 ngày, đương nhiên chi phí giảm và bệnh nhân ít phải chịu đau đớn hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh ung thư đại trực tràng là bệnh hay gặp nhất sau ung thư phổi và ở Việt Nam, tỉ lệ mắc là 13,3/100.000 dân.

Tại Trung tâm Chống độc, bệnh nhân ngộ độc luôn đa dạng, phức tạp, nên nhiều phương pháp điều trị được sử dụng để hạn chế tác dụng gây độc với cơ thể. Trước 2007. Các ca suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc nặng hầu như đều tử vong, do thiếu trang thiết bị cũng như thuốc giải độc đặc hiệu. Sau đó,  kỹ thuật thay huyết tương được áp dụng, nhưng còn dè dặt vì còn đang nghiên cứu. Nhưng với đề tài nghiên cứu cấp Bộ, PGS.TS. Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc và bác sĩ Đặng Quốc Tuấn đã nhận thấy, kỹ thuật thay huyết tương là biện pháp điều trị hỗ trợ hiệu quả suy gan cấp.

Với kết quả này, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc đã ứng dụng thành công kỹ thuật thay huyết tương để cứu sống bệnh nhân Cháng Mí M, 13 tuổi, bị suy gan tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao do ngộ độc Ochratoxin A từ bánh trôi ngô làm từ bột để lâu hơn 10 ngày. Thông thường, suy gan như bệnh nhân này sẽ phải ghép gan, nhưng ở Việt Nam là bất khả thi. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và quyết định điều trị bằng thay huyết tương sớm kết hợp với lọc máu liên tục, cùng các biện pháp phối hợp chính xác, đồng bộ của nhiều khoa, phòng trong BV, bệnh nhân đã ổn định chỉ sau 2 ngày điều trị và 12 ngày sau được ra viện.

Việc cứu sống bệnh nhân đã bị suy gan tối cấp, ranh giới giữa sự sống với cái chết vô cùng mong manh đặc biệt có ý nghĩa khi thành công này sẽ giúp cho việc điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc bánh trôi ngô vốn không hề hiếm ở nhiều vùng núi được hiệu quả và chắc chắn, giảm được tỉ lệ tử vong. Bởi chỉ từ năm 2006 đến 2014, đã có 23 vụ ngộ độc với 127 nạn nhân do ăn bánh trôi ngô mốc, khiến 51 bệnh nhân tử vong. Cũng với kỹ thuật này, các bác sĩ đã giúp cứu sống nhiều trường hợp ngộ độc nặng khác suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc, rắn cắn nguy kịch và mở rộng điều trị các bệnh lý nội khoa nặng khác v.v…

Ứng dụng thành công này đã được bình chọn là một trong 13 thành tựu của BV Bạch Mai khi khẳng định một phác đồ điều trị mới, hiện đại và hiệu quả, đồng thời, đã được báo cáo tại hội nghị chống độc Hoa Kỳ.

Mỗi công trình khoa học của các giáo sư, bác sĩ hôm nay đều là tất cả tâm huyết, sự hy sinh, lao động hết mình với khoa học, hơn nữa, thẳm sâu trong đó là tình yêu vô bờ với người bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.