Những chiến sĩ đánh “giặc ốm” luôn sát cánh vì người bệnh COVID-19

Thứ Hai, 06/04/2020, 19:34
Cuộc chiến phòng chống đại dịch COVID-19, điều dưỡng viên là những chiến sĩ vừa ở tuyến đầu vừa ở tuyến điều trị cuối cùng, họ là chất gắn kết người bệnh với hệ thống y tế và cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao trong quá trình chăm sóc phục vụ người bệnh COVID-19.

Hưởng ứng động đợt thi đua đặc biệt "Ngành y tế chung tác phòng chống dịch bệnh COVID-19" của Bộ Y tế, Hội Điều dưỡng Việt Nam vừa ra mắt các poster hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.

Theo ThS Phạm Đức Mục- Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam (VNA), các thông điệp truyền thông và posters nhằm mục đích: (1) Đảm bảo an toàn cho người bệnh; (2) Đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế; (3) Đảm bảo an toàn cho cộng đồng.

Các Thông điệp và Poster được xây dựng để điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên và cán bộ y tế dùng làm tài liệu truyền thông, giáo dục sức khỏe và tư vấn hướng dẫn cho người bệnh trong các cơ sở y tế và cộng đồng.

Điều dưỡng của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm khi chăm sóc người bệnh COVID-19 

Theo ThS Phạm Đức Mục, hiện nay đại dịch COVID-19 với các yếu tố nguy cơ do nguồn lây nhiễm cả từ bên ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, cũng như lây nhiễm chéo ở cộng đồng. Đồng thời cũng đã có cán bộ y tế bị lây nhiễm COVID-19 trong quá trình chăm sóc người bệnh COVID-19.

Đặc biệt trong cuộc chiến phòng chống COVID-19, điều dưỡng viên ở khắp mọi nơi, từ cơ sở điều trị tới cơ sở phòng dịch. Họ là những chiến sĩ vừa ở tuyến đầu vừa ở tuyến điều trị cuối cùng, họ là chất gắn kết người bệnh với hệ thống y tế và cũng là đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm rất cao trong quá trình chăm sóc phục vụ người bệnh COVID-19.

Poster hướng dẫn phân loại, cách ly người nghi nhiễm COVID-19

"Do thiên chức nghề nghiệp và để chăm sóc, điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 hiệu quả, các bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế phải làm việc ngược lại với các hướng dẫn an toàn. Khi mà người dân được Bộ Y tế khuyến cáo giữ khoảng cách 2m để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh thì các bác sĩ, điều dưỡng phải tiếp cận gần với đường thở của người bệnh để thực hiện các thủ thuật như đặt nội khí quản, hút dịch.. mặc dù biết nguy cơ lây nhiễm cao.  

Các ca trực kéo dài, trong khi chúng ta được ngủ thì họ phải làm việc 24/24 giờ. Trong khi, hết giờ làm việc chúng ta được về nhà thì họ vẫn phải ở lại với người bệnh. Có thể nói đây là một quá trình dấn thân của thầy thuốc, của bác sĩ, của điều dưỡng, của các cán bộ y tế trong tất cả các cơ sở y tế quân y và dân y” -Chủ tịch Hội chia sẻ. 

Hiện hội điều dưỡng Việt Nam có hơn 100.000 hội viên khắp cả nước và chiếm hơn 50% nhân lực của hệ thống y tế trực tiếp chăm sóc phục vụ người bệnh và tham gia phòng chống đại dịch COVID-19.

Đến nay, Việt Nam đã có 4 cán bộ y tế (2 bác sĩ và 2 điều dưỡng) nhiễm COVID- 19. Hàng trăm cán bộ y tế thuộc diện cách ly do tiếp xúc gần đã nghiêm túc tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.

Tại các cơ sở y tế tiếp nhận  người bệnh COVID-19, đội ngũ điều dưỡng trong quân đội và dân y đang đồng hành cùng các bác sĩ, đang phải làm việc trong điều kiện rất vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực cả về thể chất, tâm lý, thời gian ca kíp kéo dài và phải cách ly gia đình trong suốt quá trình chăm sóc phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, họ vẫn kiên cường chung tay cùng cả nước chống dịch với vai trò là những chiến sĩ đánh "giặc ốm".



Lê Hảo
.
.
.