Những bài học từ “cơn khát” vaccine

Thứ Hai, 28/12/2015, 19:46
Những ngày này, vaccine dịch vụ Pentaxim “5 trong 1” vẫn là vấn đề “nóng” của xã hội, khi liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mệnh của hàng triệu trẻ em, mà dường như gia đình nào cũng có trẻ cần tiêm.

Bất cứ thông tin nào liên quan đến vaccine Pentaxim đều được người dân chăm chú dõi theo, đủ thấy được “cơn khát” vaccine dịch vụ vẫn đang ở đỉnh điểm. Xáo trộn xã hội ít nhiều đã xảy ra, mà cuộc hỗn loạn ở điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội là một minh chứng, buộc chúng ta phải nhìn lại để rút kinh nghiệm, nhằm không tái diễn những sự việc không đáng có, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập quốc tế.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Chủ tịch Hội dược học TPHCM, thẳng thắn chỉ ra: Để xảy ra tình trạng thiếu vaccine dịch vụ như hiện nay, trách nhiệm trước hết thuộc về Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) trong việc hoạch định chính sách, cũng như không thể phó mặc vaccine dịch vụ cho thị trường, đồng thời, phải tạo cơ chế thông thoáng trong việc nhập khẩu, cơ chế giá vaccine dịch vụ để doanh nghiệp nhập về phục vụ nhân dân. Là cơ quan quản lý Nhà nước, Cục Quản lý Dược cần phải ước lượng được nhu cầu vaccine dịch vụ để có kế hoạch dự trù, cơ chế giá hợp lý và đặt hàng nhà sản xuất đảm bảo đủ vaccine cho người dân. Cục Y tế dự phòng cũng phải phối hợp với Cục Quản lý Dược để đưa ra con số chính xác về số người cần tiêm để dự trù. Vừa qua, đại diện Cục Quản lý Dược giải thích việc thiếu vaccine dịch vụ do nhà sản xuất thay đổi vị trí và công nghệ, là thiếu trách nhiệm. Tại sao Việt Nam thiếu còn các nước không thiếu? Là vì các nước dự trù được nên đặt hàng trước, còn Việt Nam thì không. Hơn nữa, việc khẳng định năm 2016 vẫn vô phương về cung ứng vaccine dịch vụ, càng thiếu trách nhiệm bởi khiến dân hoảng loạn và tình trạng thiếu hàng dễ dẫn đến găm hàng. Sinh ra cơ quan quản lý là để xem xét linh động chính sách khi cần thiết cho xã hội chứ không phải để… ngồi đó.

Nháo nhác do “khát” vaccine tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh,Hà Nội. 

Bên cạnh đó, PGS.TS. Phạm Khánh Phong Lan cũng chỉ ra: Để phụ huynh sợ vaccine Quinvaxem, là trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng khi tuyên truyền, giải thích về vaccine Quinvaxem còn yếu ớt. Mới chỉ thấy so sánh về vô bào và nguyên bào giữa Quinvaxem và Pentaxim, hay cho rằng tỉ lệ tử vong của Quinvaxem trong giới hạn cho phép, trong khi không ai muốn con cháu mình rơi vào “tỉ lệ cho phép” đó. Không thể để những thông tin cảm tính lấn át, khi chỉ một ca tử vong chưa rõ có nguyên nhân do vaccine hay không là vội đổ cho vaccine. Cần phải phân tích, giải quyết thuyết phục bằng ý kiến của các nhà khoa học về tính an toàn và hiệu quả của Quinvaxem. Cục Y tế dự phòng cũng cần xem lại đã kiểm soát tốt qui trình tiêm phòng chưa? Công tác tổ chức tiêm phòng vừa qua chưa tốt, lẽ ra phải lường trước bởi số vaccine ít mà nhu cầu thì cao. Về lâu dài, phải làm sao để dân tin tưởng vào vaccine TCMR. Các nhà khoa học phải lên tiếng. Nếu thấy không an toàn thì phải thay, vì Quinvaxem thắng thầu chương trình TCMR không có nghĩa là vĩnh viễn.

Một số nhà quản lý cũng cho rằng, để xảy ra “cơn khát” vaccine hôm nay, có vai trò của công tác truyền thông về tiêm chủng, dĩ nhiên, trách nhiệm trước hết thuộc về ngành y tế. Mặc dù Bộ Y tế đã chủ động truyền thông, đặc biệt chú trọng cung cấp truyền thông từ trên xuống, nhưng dường như hệ thống y tế dự phòng ở các địa phương coi đó là việc của trên, mà cho rằng, cơ sở chỉ cần làm chuyên môn, dẫn đến hiệu quả truyền thông không cao. Thông tin không đến được người dân, nếu có thì các thông điệp truyền thông không được người dân hiểu đúng. Ở địa phương còn có sự chồng lấn nhiệm vụ giữa chỉ đạo của UBND và ngành dọc. Địa phương mới chỉ thực hiện triển khai công việc mà không chú trọng truyền thông phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí chưa thực sự thực hiện truyền thông có trách nhiệm, mà chỉ mong muốn thông tin giật gân, câu khách. Khi thấy một vài tai biến liên quan đến vaccine, chưa tìm hiểu nguyên nhân, đã vội vã khai thác thông tin theo hướng quy trách nhiệm do vaccine, khiến người dân hoang mang. Có thể thấy rõ vụ này qua dịch sởi năm 2014, khi người dân vì sợ đã không cho con tiêm phòng, khiến dịch sởi bùng phát dữ dội với hàng chục ngàn người mắc và khoảng 150 trẻ tử vong tại bệnh viện.

Với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có một chiến dịch tiêm chủng mở rộng (TCMR) lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2014-2015. Nhưng mặc dù đã làm tốt công tác TCMR, song Bộ Y tế cũng cần đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thực tế của một bộ phận nhân dân để họ có thêm sự lựa chọn là tiêm chủng dịch vụ. Lâu nay ngành y tế đã đáp ứng việc khám chữa bệnh theo yêu cầu, thì việc tiêm chủng cũng nên thực hiện như vậy. Song để làm được việc này, đòi hỏi ngành y cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, lên kế hoạch đón đầu mới đáp ứng tốt nhu cầu chính đáng của xã hội.

Tuy nhiên, cũng ghi nhận phản ứng kịp thời và hợp tác với báo chí của ngành y tế trước “sự cố” vaccine ngày 25-12. Ngay chiều 25-12, Bộ Y tế đã lập tức chỉ đạo Sở Y tế các địa phương về việc tổ chức tiêm chủng, lập kế hoạch chi tiết, đăng ký tiêm chủng qua mạng. Một ngày sau, Bộ Y tế đã tổ chức họp báo, chủ động cung cấp thông tin chi tiết và giải thích các vấn đề liên quan đến vaccine dịch vụ; minh bạch hoá quy trình tiêm vaccine thông qua việc công bố danh sách các điểm tiêm chủng, cho phép đăng ký trực tuyến, qua đó, người dân nắm được tình hình, tránh gây nên những hệ quả do nhận thức chưa đầy đủ về các loại vaccine. 

Thanh Hằng
.
.
.