Nhiều kinh nghiệm chống lao của Việt Nam được chia sẻ với quốc tế

Thứ Sáu, 08/12/2017, 17:53
Chiều 8-12, Bệnh viện phổi Trung ương đã có cuộc gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin mới nhất về bệnh lao, nhằm đẩy mạnh cam kết đa ngành thực hiện chiến lược quốc gia và hưởng ứng Tuyên bố Maxcova về chấm dứt bệnh lao.


Chia sẻ với báo giới, PGS. Nguyễn Viết Nhung-Giám đốc Bệnh viện phổi Trung ương cho biết, Tuyên bố chung Matxcova về chấm dứt bệnh lao của Hội nghị cấp Bộ trưởng toàn cầu lần thứ nhất về phòng chống Lao tại Matxcova (Liên Bang Nga) trong hai ngày 16-17/11/2017 là dấu mốc quan trọng cho sự nghiệp phòng chống bệnh lao của Việt Nam và trên toàn cầu.

Điều đáng nói là, tại hội nghị này, nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lao của Việt Nam đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quốc Cường chia sẻ và được các chuyên gia ghi nhận. 

Đó là kinh nghiệm trong việc ứng dụng các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới trong chẩn đoán và điều trị theo khuyến cáo của WHO trong việc phát hiện và điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc ở Việt Nam. Việt Nam đặt chỉ tiêu giảm 30% tỉ lệ mắc hiện nay và giảm 40%  tỉ lệ tử vong do lao trong 5 năm (2015-2020). 

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cung cấp thông tin mới nhất về tình hình bệnh lao ở Việt Nam 

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc giúp người dân được tiếp cận phổ cập với dịch vụ phòng chống lao, các nghiên cứu đổi mới và kinh nghiệm vận động tăng đầu tư trong nước cho phòng chống lao.

Sau hội nghị, Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ đưa công tác chống lao vào Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, lao và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

Hiện nay, ở Việt Nam bệnh lao giảm khoảng 5%, tử vong giảm nhanh hơn, từ 2015 đến 2016 Việt Nam đã giảm được 3000 người chết vì lao. Số không được phát hiện trong cộng đồng ngày càng nhiều. Chỉ còn khoảng 20.000 người chưa được phát hiện và có tỉ lệ tử vong cao ở số này. Nhưng cần lưu ý là cho đến khi tử vong, số người không được phát hiện và điều trị này đã làm lây nhiễm nhiều người, làm bệnh lao tồn tại mãi và gây nghèo khó.




Thanh Hằng
.
.
.