Nhiều công ty sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ vi phạm

Thứ Năm, 13/07/2017, 14:21
Có tới 10/13 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ vi phạm ở nhiều mức độ. Trong đó có 5 đơn vị đã bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt hành chính với tổng số tiền là 125 triệu đồng. Đây là kết quả vừa được Thanh tra Bộ Y tế công bố.


Theo kết luận thanh tra do ông Đặng Văn Chính-Chánh Thanh tra Bộ Y tế ký thì nhìn chung, 13/13 cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ được thanh tra đều có đủ giấy tờ pháp lý, trong đó, một số cơ sở sản xuất đã được cấp chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Tuy nhiên, cũng có nhiều sai phạm ở các đơn vị được phát hiện và xử lý bằng hình thức nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính.

Vi phạm của các đơn vị chủ yếu là không lưu mẫu thức ăn; không kiểm định sản phẩm định kỳ, hoặc kiểm định không đầy đủ; bảo quản nguyên liệu tồn chưa đúng quy định; ghi nhãn mác trên các sản phẩm dinh dưỡng gây hiểu lầm… Trong đó, có một số công ty đã có vi phạm nghiêm trọng là không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ, hoặc kiểm nghiệm không đầy đủ theo quy định-điều này có thể gây nên những nguy cơ xấu cho sức khỏe của trẻ.

Bên cạnh đó, một số công ty còn vi phạm trong việc quảng cáo sữa công thức. Vì thế, đã có 5 công ty chuyên cung cấp dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ bị Thanh tra Bộ Y tế xử phạt hành chính vì không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, với mức phạt 25 triệu đồng/công ty. Đó là Công ty THNH HUMANA Việt Nam, Công TNHH Thương mại Nhựa Cầu Vồng, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Tân Úc Việt, Công ty sản xuất thương mại xây dựng Đại Nam và Công ty TNHH Châu Đại Dương.

Một số  sản phẩm cho trẻ được thanh tra đợt này

Theo Thanh tra Bộ Y tế,  một số đơn vị vi phạm về nội dung quảng cáo sản phẩm, như Công ty Abbott Việt Nam. Theo đó, nhãn mác trên các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ của công ty này có hình ảnh bình sữa và có nội dung hướng dẫn cho trẻ bú bình dễ gây hiểu lầm là khuyến khích trẻ bú bình thay sữa mẹ: Dòng sản phẩm Total có dòng chữ “Công thức dinh dưỡng không chứa dầu cọ đã được chứng minh giúp tăng cường hấp thụ canxi và giúp phân mềm gần giống với phân của trẻ bú mẹ”.

Mặc dù nội dung này đã được Cục ATTP xác nhận, song Thanh tra Bộ Y tế cho rằng có thể khiến người đọc hiểu là có sự so sánh gián tiếp về chất lượng của sản phẩm với sữa mẹ, nên đã yêu cầu Văn phòng đại diện của Abbott Việt Nam rà soát và chỉnh sửa. Văn phòng đã có kế hoạch chỉnh sửa và sẽ liên hệ với Cục ATTP để được xác nhận lại nhãn sản phẩm, tránh gây hiểu không đúng.

Cùng với Công ty Abbott Việt Nam, Thanh tra Bộ Y tế cũng cho rằng, Công ty CP Nam Dương có 8/8 sản phẩm đều sử dụng ngôn ngữ thể hiện sản phẩm tương đương, gần giống với sữa mẹ và đều được Cục ATTP xác nhận. Thanh tra Bộ Y tế đã hướng dẫn cho Công ty các qui định của pháp luật về ghi nhãn sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và công ty cũng đã thừa nhận việc ghi nhãn như hiện có là không đúng qui định nên đã dừng việc in các nội dung này trên nhãn phụ sản phẩm, đồng thời, liên hệ với Cục ATTP để chỉnh sửa lại nội dung ghi nhãn.

Với Công ty THNH HUMANA Việt Nam, ngoài việc vi phạm là không kiểm nghiệm định kỳ theo quy định, Thanh tra Bộ Y tế cũng cho rằng, maket quảng cáo của công ty này có hình ảnh sản phẩm dinh dưỡng HUMANA 1,2 dùng cho trẻ từ 0-6 tháng tuổi và từ 6-12 tháng tuổi thuộc diện cấm quảng cáo, mặc dù maket quảng cáo đã được Cục ATTP xác nhận. Vì thế, Đoàn thanh tra đã hướng dẫn công ty thiết kế lại maket quảng cáo và liên hệ với Cục ATTP để xác nhận, đảm bảo nội dung quảng cáo tuân thủ đúng pháp luật.

Cùng với việc xử lý vi phạm các đơn vị, Thanh tra Bộ Y tế cũng đề nghị Cục ATTP hướng dẫn các đơn vị sai phạm trong việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh trên sản phẩm không đúng qui định. 

Các cơ sở được Thanh tra Bộ Y tế thanh tra đợt này gồm: Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, Công ty CP TM-SX Tân Úc Việt, Công ty TNHH TMSX Đại Nam, Công ty CPTM Saco, Văn phòng đại diện Abbott TPHCM, Công ty TNHH Mead Jonshon Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Nam Dương, Công ty TNHH Châu Đại Dương, Công ty TNHH TM Nhập khẩu Nhựa Cầu Vồng, Công ty TNHH Humana Việt Nam, Công ty NHHH TM Lê Mây, Công ty TNHH dược phẩm Liên Hợp… và các cơ sở cung cấp nguyên liệu. 


Thanh Hằng
.
.
.