Nhiều bà mẹ, trẻ sơ sinh được cứu sống nhờ các Cô đỡ thôn bản

Chủ Nhật, 11/03/2018, 16:47
Sau 25 năm thực hiện chương trình Cô đỡ thôn bản, tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 4 lần. Hiện có hơn 2.600 Cô đỡ thôn bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Sự đóng góp của các Cô đỡ thôn, bản được cộng đồng đánh giá cao


25 năm trước, tỉ lệ tử vong mẹ ở nước ta khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần hiện nay. Ở vùng sâu, vùng cao, tỉ lệ này còn cao hơn nhiều. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ ở đồng bào S'tiêng (tỉnh Bình Phước) lên đến 1.018/100.000 trẻ đẻ sống.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tỷ lệ phụ nữ không đi khám thai và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ rất cao, là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Nghèo đói, giao thông khó khăn, tập quán sinh đẻ tại nhà hoặc cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ là rào cản phụ nữ dân tộc đến sinh con tại cơ sở y tế. Dù đã giảm nhiều, song tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở miền núi hiện vẫn cao hơn đồng bằng và thành thị. 

Chính vì thế, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay khi giúp tháo gỡ những rào cản do khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán khiến phụ nữ dân tộc thiểu số không tiếp cận được các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh.

Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ sau sinh tại nhà

Sau khi được đào tạo cơ bản 6-9 tháng theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, các Cô đỡ thôn bản trở lại địa phương phục vụ với sự giám sát chuyên môn của bệnh viện đã đào tạo. Thực tế cho thấy, mô hình Cô đỡ thôn bản đã tạo bước ngoặt trong giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng núi, vùng đồng bào khó khăn thông qua việc quản lý thai nghén, truyền thông, tư vấn, giáo dục sức khỏe cho người dân, vận động thai phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã; phát hiện thai có nguy cơ và chuyển tuyến kịp thời, chăm sóc sau đẻ cho cả mẹ và con.

Chị Thào Thị Se

Trao đổi với chúng tôi, Cô đỡ thôn bản Thào Thị Se (30 tuổi, người dân tộc H’Mông, ở thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang) cho biết: Xã tôi ở thuộc vùng đặc biệt khó khăn, rất nhiều người không biết chữ, nhiều nhà nghèo không đủ cơm ăn, mặc ấm, nên gần như chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe khi có thai, sinh con. Sau khi đi học về, tôi được phân công phụ trách 3 thôn bản. Hàng tháng, tôi đến từng hộ gia đình có phụ nữ có thai để khám thai cho họ, vận động chị em đến trạm đẻ vì đẻ ở nhà sẽ nguy hiểm; hướng dẫn sản phụ sau đẻ cách vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho con và cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, vận động sinh đẻ có kế hoạch.

Cô đỡ thôn bản chăm sóc thai kỳ cho phụ nữ có thai

Chị Se còn vận động các gia đình cho con em đi tiêm chủng, đi cân trẻ và uống Vitamin A theo lịch; theo dõi xem trong thôn có dịch bệnh gì để báo cáo lên Trạm Y tế xã kịp thời. 6 năm qua, chị Se đã khám thai cho gần 900 trường hợp, đỡ đẻ tại nhà cho 55 người, đặc biệt, đã phát hiện nhiều ca có dấu hiệu nguy hiểm để chuyển tuyến kịp thời như bị ngôi ngang,  chuyển dạ đẻ non, dọa sẩy, băng huyết, chuyển dạ kéo dài, tiền sử sản giật vv…

“Hoạt động ở xã rất vất vả, tiền phụ cấp chỉ 200.000đ/tháng, nhưng từ năm 2017 cũng không có nữa, nhưng tôi vẫn cố gắng giúp đỡ chị em.”- chị Se tâm sự.

Y Ngọc là Cô đỡ thôn bản người Xê Đăng, ở thôn Kạch lớn II, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông - xã đặc biệt khó khăn của Kon Tum, cũng kể ở quê chị, người dân đi làm rẫy suốt nên ít đến cơ sở y tế để khám thai; khi đẻ thì thường đẻ tại nhà, nhờ người thân đỡ đẻ vì xấu hổ. Ngoài ra, còn nhiều phong tục chưa đúng như không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung khi mới 2-3 tháng tuổi nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng; trẻ đau ốm không đưa đến Trạm y tế, không được chữa bệnh kịp thời nên có trẻ đã tử vong.

 Sau khi được đào tạ, trở về, chị Y Ngọc thường xuyên hướng dẫn phụ nữ biết cách chăm sóc bản thân khi mang thai, sau khi sinh và chăm sóc trẻ sơ sinh, nuôi con bằng sữa mẹ, tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ. Chị còn hướng dẫn các bà mẹ nuôi con nhỏ cho trẻ ăn đúng cách để phòng chống suy dinh dưỡng; tư vấn về KHHGĐ nên đã góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tại thôn từ 35% năm 2009 xuống còn 8,7% năm 2017.

Cô đỡ thôn bản hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách

“Tôi thăm khám giúp chị em phụ nữ mang thai phát hiện thai sớm, kiểm tra sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi, phát hiện những trường hợp thai bất thường. Riêng năm 2017, tôi đã khám thai cho 132 người và phát hiện kịp thời 2 bà mẹ có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời. Nhờ tuyên truyền vận động các bà mẹ đến trạm y tế để khám thai và sinh đẻ, tỷ lệ bà mẹ có thai đi khám thai từ 50% năm 2009 tăng lên 93% năm 2017, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 20% năm 2009 lên đến 60,9% năm 2017. Mỗi năm tôi đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ không đến, hoặc không kịp đến trạm xá để sinh con; tham gia đỡ cho 2-4 bà mẹ đẻ tại trạm. Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được thăm khám sau sinh của thôn tăng từ 30% năm 2009 tăng lên 93% năm 2017.” – Y Ngọc cho biết.

Ngoài ra, Y Ngọc còn theo dõi cân nặng, chiều cao cho trẻ dưới 2 tuổi hàng tháng, trực tiếp đi cân, đo trẻ dưới 5 tuổi mỗi năm 2 lần để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em; vận động các gia đình đưa phụ nữ có thai và trẻ em đi tiêm chủng theo lịch; hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường, ăn uống hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh sốt rét, sốt xuất huyết vv…

“Đến nay, sau 25 năm thực hiện chương trình Cô đỡ thôn bản tỷ lệ tử vong mẹ đã giảm 4 lần, khoảng 58/100.000 trẻ đẻ sống. Hiện có hơn 2.600 Cô đỡ thôn, bản hoạt động trong tổng số 8.165 thôn bản khó khăn. Sự đóng góp của các Cô đỡ thôn bản được cộng đồng đánh giá cao”- Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho hay.


Thanh Hằng
.
.
.