Nhắm trúng đích erlotinib - liệu pháp kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân ung thư phổi

Thứ Năm, 08/09/2016, 18:19
Việc NSƯT Hán Văn Tình vừa tử vong do ung thư phổi tiếp tục làm dấy lên mối quan tâm của dư luận những ngày qua về căn bệnh này. “Đặc biệt, tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở nam giới và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong do ung thư ở nữ giới. Mỗi năm, có khoảng 22.000 ca mắc mới và 19.500 bệnh nhân tử vong.”

Thông tin này được PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai, Bệnh viện K cho biết tại hội thảo “Hành trình 10 năm kéo dài sự sống cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ” do Bệnh viện K và Văn phòng Hoffman –La Roche tổ chức tại Hà Nội chiều 8-9.

PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết thêm, yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư phổi là hút thuốc lá. Tuy nhiên, ung thư phổi vẫn xuất hiện ở những người chưa từng hút thuốc. Những dấu hiệu đầu tiên của ung thư phổi thường không rõ ràng nên dễ bị bệnh nhân bỏ qua, do đó, thường bị phát hiện muộn. 

Nhiều nghiên cứu về erlotinib được công bố tại hội thảo

Chỉ có khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1 và 2), 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3,4). Vì thế, dù có nhiều bước tiến trong chẩn đoán và điều trị, ung thư phổi vẫn thường có tiên lượng xấu và tỉ lệ sống thêm 5 năm khá thấp.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho biết, ung thư phổi không tế bào nhỏ là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các ca ung thư phổi. Tuy nhiên, việc điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ đã có nhiều tiến bộ trong một thập niên qua và một số biện pháp điều trị ung thư phổi mới nhất đã được báo cáo tại hội thảo. 

GS. Roman Perez Soler, Phó Giám đốc Trung tâm ung bướu Albert Eistein (Mỹ), người trực tiếp nghiên cứu về điều trị erlotinib với người ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Theo đó, bên cạnh các phương pháp kinh điển như phẫu thuật, xạ trị, hoá chất, gây độc tế bào, thì các liệu pháp trúng đích đã được chứng minh là hiệu quả với các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ.

GS. Roman Perez Soler, Phó Giám đốc Trung tâm ung bướu Albert Eistein, New York (Mỹ), chủ nhân của nhiều công trình nghiên cứu khoa học và giải thưởng y học về điều trị ung thư phổi, cho biết: Erlotinib điều trị bước 1 kéo dài thời gian sống bệnh không tiến triển hơn một năm, gấp 3 lần hóa trị thông thường trên bệnh nhân có đột biến gien EGFR. 

Hơn 10 năm qua, đã có hơn một triệu bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ được điều trị với erlotinib tại hơn 100 nước, trong đó có Việt Nam. Với bệnh nhân có đột biến gen EGFR, erlotinib là một trong những liệu pháp trúng đích tối ưu hiện nay cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc di căn xa. Đây cũng là phương pháp có hiệu quả cao, giúp cải thiện chất lượng sống trên các bệnh nhân đã thất bại với các liệu pháp điều trị toàn thân trước đó. 

Kiểm tra xác định bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K 

Đặc biệt, không có tử vong liên quan đến điều trị. Điều này rất quan trọng khi Việt Nam có tới 64% bệnh nhân ung thư phổi có đột biến gen EGFR nhạy thuốc, một đặc điểm thuận lợi cho việc điều trị bằng liệu pháp nhắm trúng đích.

Các chuyên gia cũng cho hay, ngoài bệnh ung thư phổi, erlotinib cũng được phê chuẩn điều trị ung thư tụy. Theo PGS.TS. Nguyễn Tuyết Mai, Bệnh viện K, có bệnh nhân di căn não đã 7 năm vẫn sống tốt nhờ điều trị erlotinib. Hàng triệu bệnh nhân trên toàn thế giới cũng đang được hưởng lợi ích sống còn từ liệu pháp này. Liệu pháp điều trị trúng đích erlotinib đã, đang và tiếp tục là một liệu pháp hiệu quả, một phát minh có tính cách mạng trong lĩnh vực điều trị ung thư, mang nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Với những báo cáo khoa học, các ý kiến tại hội thảo cùng đồng thuận về vai trò của liệu pháp nhắm trúng đích erlotinib với ung thư phổi không tế bào nhỏ. Theo đó, bệnh nhân được kéo dài thời gian sống, bệnh không tiến triển gấp ba lần so với hóa trị.

TS.BS. Nguyễn Thị Thái Hòa, Trưởng Khoa Nội II (Bệnh viện K) cho biết thêm, việc điều trị bằng liệu pháp erlotinib không chỉ nhạy thuốc, mà còn ít tác dụng phụ hơn so với sử dụng hóa chất, nên phù hợp với việc điều trị cho bệnh nhân ung thư phổi ở người cao tuổi. Trước đây, các bệnh nhân cao tuổi thường buông xuôi, nay với liệu pháp này, họ có điều kiện chữa trị hiệu quả để cải thiện chất lượng sống.

TS. Phạm Thị Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu -BV Bạch Mai báo cáo nghiên cứu về điều trị erlotinib

Theo nhóm tác giả ở Trường Đại học Y Hà Nội thì 80% bệnh nhân điều trị erlotinib có cải thiện ngay trong tháng đầu. Họ thấy đỡ đau, ăn uống được, tinh thần lạc quan, một số tình trạng ban đầu như tràn dịch màng phổi giảm nên đỡ khó thở, ho và giảm yếu liệt, do giảm được tình trạng phù não do di căn não. 

Ngoài hiệu quả kháng ung thư tốt, điều trị erlotinib còn an toàn, thuận lợi cho người bệnh, tránh được các độc tính tích lũy. Vì thế, erlotinib là triển vọng cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn muộn, nhất là những bệnh nhân lớn tuổi, toàn trạng không cho phép hóa trị toàn thân.

Vì ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ như ho dai dẳng, mệt mỏi, kém ăn, sụt cân, do đó, cần phòng tránh ung thư phổi bằng việc tầm soát định kỳ. Theo các chuyên gia, những trường hợp y cần tầm soát ung thư phổi định kỳ mỗi 6 tháng hoặc 12 tháng/lần là  những người có tiền sử hút thuốc lá nhiều hoặc hút thuốc lá thụ động; những người thường tiếp xúc với hóa chất sinh khối hoặc hóa chất gây ung như thủy ngân; những người có cha hoặc mẹ từng bị ung thư phổi.

Thanh Hằng
.
.
.