Hãi hùng như vào nhà vệ sinh bệnh viện

Thứ Sáu, 24/03/2017, 17:12
Vấn đề nhà vệ sinh ở bệnh viện (BV) vốn bị coi là chuyện nhỏ, nhưng thực ra lại không hề nhỏ. Bởi nhà vệ sinh mất vệ sinh đang là nỗi ám ảnh của người bệnh và còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị.


Một trong các nhà vệ sinh BV bẩn thỉu nhất là ở BV K (cơ sở 1 tại Quán Sứ) khi rác để ngập cao hơn cả chậu rửa mặt. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến người thường còn không chịu nổi nữa là người bệnh khi phải đặt chân vào nơi này. Đặc biệt, ở đây còn không phân loại rác y tế và rác thường, nên rất nguy hiểm. Chỉ sau khi nhận được ý kiến phản ánh, BV mới biết để giải quyết vấn đề này. Cùng BV nhưng  khu vực điều trị tự nguyện ở cơ sở 3 (Tân Triều) thì nhà vệ sinh lại sạch sẽ, khác hẳn cơ sở 1. 

Phòng vệ sinh của BV Phụ sản Hà Nội cũng rất bẩn. Đáng ngại nữa là phòng vệ sinh dùng chung cho cả nam lẫn nữ, rất bất tiện cho các bà bầu, sản phụ.

Ở BV Nhi Trung ương, nhà vệ sinh ở tầng một của khu khám bệnh mới xây cũng bẩn và hôi, do nhiều bệnh nhân thiếu ý thức, trong khi việc dọn vệ sinh chưa kịp thời. Còn ở các tầng khác của khu nhà, các phòng vệ sinh sạch sẽ hơn do được vệ sinh thường xuyên. Riêng phòng vệ sinh của khu điều trị dịch vụ, nhà vệ sinh không chỉ sạch sẽ, mà còn có đủ xà phòng rửa tay, khăn lau tay, giấy vệ sinh, vòi tắm hoa sen và bình nóng lạnh, như ở gia đình.

Vào 12h trưa chúng tôi có mặt tại Khoa Xương khớp của BV Bạch Mai - nơi luôn đông bệnh nhân quanh năm, vẫn thấy các công nhân vệ sinh đang dọn dẹp. Khu nhà vệ sinh đã cũ, nhưng khá sạch sẽ. Chị Nguyễn Thị Duyên, một công nhân vệ sinh cho  biết, buổi sáng các chị phải làm dọn các phòng vệ sinh từ 6h đến 7h30, buổi chiều lại dọn dẹp vào lúc 16h, nhưng ngoài 2 lần dọn chính, suốt từ sáng đến chiều, các chị liên tục phải lau dọn, dội nước, không cả nghỉ trưa vì rất nhiều người bệnh và người nhà người bệnh thiếu ý thức. Một số nhà vệ sinh ở các khoa khác, như khu vực khám bệnh, khu cấp cứu vẫn còn bẩn và hôi hám.

Nhà vệ sinh BV K

Có lẽ tốt hơn cả là các phòng vệ sinh ở các khu nhà mới xây của BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nội Tiết Trung ương. Đặc biệt, hiện mới chỉ có nhà vệ sinh của BV E là được đánh giá đạt chuẩn.

Hầu hết các BV, nhất là các BV tuyến Trung ương, nhà vệ sinh còn rất thiếu so với số người đến khám, chữa bệnh (KCB), nên các nhà vệ sinh luôn quá tải. Các nhà vệ sinh BV mà chúng tôi đến đều không có xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh. Trong khi chính ngành y tế đã tổ chức nhiều chiến dịch kêu gọi người dân rửa tay bằng xà phòng để diệt khuẩn, thì điều này là rất trái khoáy!

Ai cũng biết nếu nhà vệ sinh BV bẩn sẽ là một nguồn lây thêm bệnh cho người bệnh. Vì thế, trong chủ trương nâng cao chất lượng KCB, Bộ Y tế đã yêu cầu các nhà vệ sinh BV phải đủ nước sạch, xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh…  Tuy nhiên, số BV chú ý nâng cao chất lượng nhà vệ sinh còn rất ít. Chỉ nơi nào lãnh đạo BV coi trọng quyền lợi của người bệnh thì nơi đó, chất lượng nhà vệ sinh được quan tâm. GS.TS Lê Ngọc Thành (Giám đốc BV E) ý thức rằng “sạch để giảm nhiễm trùng BV và đã đến lúc cần xóa bỏ tâm lý nhà vệ sinh trong BV là nỗi ám ảnh đối với bệnh nhân”, nên BV E đã là một trong các BV đầu tiên xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Ở BV Việt Đức, GS.TS. Trần Bình Giang -Giám đốc BV cho biết mỗi năm, BV phải chi gần chục tỷ đồng cho vệ sinh môi trường, trong đó có nhà vệ sinh BV, để có được hệ thống nhà vệ sinh luôn sạch sẽ.

Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã khảo sát 13 BV tuyến Trung ương ở Hà Nội và cho thấy kết quả đáng lo ngại khi chỉ có 6/13 BV đủ số lượng nhà vệ sinh phục vụ bệnh nhân, một số nơi có đủ thì chất lượn kém. Một cuộc khảo sát tại 32 cơ sở y tế ở tất cả các tuyến cũng cho thấy không cơ sở y tế nào đáp ứng nhu cầu về số lượng nhà vệ sinh, thì trừ trạm y tế. Cùng với số lượng thiếu, chất lượng nhà vệ sinh cũng đáng ngại bởi tình trạng hôi hám, hỏng hóc, dính chất thải, không sử dụng được, cửa khóa vv… khá phổ biến.

Rất ít BV có nhà vệ sinh đạt chuẩn như BV E

Vì thế, không khó hiểu khi tại một hội nghị về môi trường BV, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, qua các cuộc thăm dò ý kiến, không một người dân nào tỏ ra hài lòng về nhà vệ sinh BV. Điều này rất bất hợp lý khi giá viện phí đang từng bước tăng, đòi hỏi chất lượng các dịch vụ ở BV phải tăng theo, nhưng chất lượng nhà vệ sinh BV ở nhiều nơi không thay đổi, là không xứng với số tiền người bệnh phải bỏ ra.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Trưởng phòng Môi trường cơ sở Y tế (Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế) cho hay, hiện nay, nhiều cơ sở y tế có nhà vệ sinh nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Do hầu hết các BV xây dựng đã lâu, số nhà vệ sinh cũng theo qui mô giường bệnh từ thời điểm xây dựng, trong khi hiện số người bệnh tăng cao hơn nhiều, dẫn đến quá tải, làm ô nhiễm môi trường BV và khiến chính BV trở thành nơi lây truyền bệnh.

Còn một nguyên nhân nữa dẫn đến các nhà vệ sinh BV mất vệ sinh là các BV hiện đều thuê công ty làm vệ sinh, nhưng một số BV buông lỏng quản lý, khi BV là nơi có hàng ngàn người, nhưng chỉ dọn rác mỗi ngày 2 lần là không phù hợp, khiến môi trường bị ô nhiễm. Bên cạnh nguyên nhân quá tải, ý thức nhân viên kém, còn có nguyên nhân khiến các nhà vệ sinh BV mất vệ sinh là ý thức của người bệnh và người nhà người bệnh.

 Ở BV Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Duyên cho biết, cứ 10 người thì chỉ khoảng 3 người có ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh. Nhiều người vung vãi nước tung tóe, thậm chí, không xả nước sau khi vệ sinh. Điều này chúng tôi cũng mục sở thị tại nhà vệ sinh ở BV Nhi Trung ương khi phụ huynh cho con vệ sinh rồi không xả nước, hoặc ngồi cả dép bẩn lên bồn cầu. Cảnh người bệnh, người nhà người bệnh vứt giấy lau, vứt rác bừa bãi dù thùng rác ở ngay cạnh rất phổ biến. Một số BV đã bỏ giấy vệ sinh ra thì bị lấy mất.

Vì thế, để có những nhà vệ sinh BV thực sự vệ sinh, đòi hỏi cả người quản lý, nhân viên và người bệnh, người nhà người bệnh phải có ý thức, chứ đơn phương một phía nào cũng là không thể.

Thanh Hằng
.
.
.