Người trẻ chớ chủ quan với bệnh lý nguy hiểm nhồi máu cơ tim

Thứ Bảy, 21/12/2019, 16:11
Ngày 21-12, bệnh viện Quân Y 175 cho biết, nhờ sự phối hợp ăn ý và kịp thời giữa các bác sỹ của 2 bệnh viện (BV) 175 và BV Gò Vấp đã cứu sống nữ bệnh nhân tên: Phạm Thị Dung (39 tuổi), ngụ tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một ca nhồi máu cơ tim ở tuổi còn trẻ là điều mà các bác sĩ muốn cảnh báo cũng như nhờ được cấp cứu liên viện kịp thời mà bệnh nhân đã được cứu sống.


Các bác sỹ khoa Tim mạch BV 175 cho hay, sáng 18-12, BV có nhận được điện thoại từ BV Gò Vấp nhờ phối hợp cấp cứu cho một nữ bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, suy tim nhưng do chủ quan, không điều trị cơ bản nên trở bệnh đột ngột. Dù đã được hồi sinh tim phổi tại BV Gò Vấp, nhịp tim bệnh nhân có nhịp đập trở lại nhưng không cải thiện nên đã được liên hệ gấp để chuyển lên BV 175. 

Khi được chuyển tới,  bệnh nhân đã trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn. Ê kíp tiếp nhận đã thực hiện hồi sinh tim phổi lần thứ 2. Sau 15 phút tiếp tục chuyển vào khoa Hồi sức tích cực để hội chẩn. Đại tá, TS.BS CK II Trương Đình Cẩm, Phó Giám đốc nội của BV 175, đồng thời là Chuyên gia tim mạch trực tiếp chỉ đạo ca này. Nhận định của ê kíp, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đồng thời có chỉ định can thiệp mạch và chuyển sang khoa gây mê hồi sức.

Theo Thượng tá, BS Vũ Đình Ân- Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực, trong quá trình thực hiện can thiệp mạch cho thấy, bệnh nhân trong tình trạng tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước, nên được chỉ định đặt stent, đồng thời điều trị tích cực sau can thiệp. Ngoài ra, việc quan trọng nữa là bệnh nhân được chỉ định điều trị thuốc an thần và thuốc đặc trị để bảo vệ tế bào não, kèm theo việc kiểm soát thân nhiệt theo mục tiêu; thuốc hỗ trợ co bóp cơ tim và điều chỉnh các rồi loạn khác; đồng thời bệnh nhân được cung cấp nước điện giải và nuôi dưỡng cơ thể bằng các chất dinh dưỡng đặc hiệu.

Thượng tá, BS Vũ Đình Ân- Phó Chủ nhiệm khoa Hồi sức tích cực thăm khám lại cho bệnh nhân ngày 21-12.

Sau 48 giờ được điều trị bằng các phương pháp đặc hiệu, kiểm tra thị giác cho thấy bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục; tuy nhiên vẫn được cho thở máy hỗ trợ do trải qua một đợt nhồi máu cơ tim và suy tim nặng,  cũng nhằm giảm thiểu tình trạng suy tim.

Các bác sỹ BV 175 cũng cho hay, trước đây, nếu bệnh lý nhồi máu cơ tim thường xuất hiện ở độ tuổi trên 40 thì hiện nay ngày càng nhiều hơn trường hợp nhập viện ở độ tuổi trên 30, thậm chí có trường hợp ngoài 20. Nếu trước đây, thường bệnh nhồi máu cơ tim xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi và mắc bệnh nền : có xơ vữa động mạch, tiền sử mỡ trong máu, thì gần đây BV thường tiếp nhận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi còn rất trẻ kèm theo bệnh tiểu đường, tăng huyết áp.

Nhồi máu cơ tim đang trẻ hoá là điều các bác sỹ muốn cảnh báo, do đó, ở độ tuổi trên 40 nên đi tầm soát ít nhất 2 lần/năm về bệnh tim mạch. Từ 40 trở xuống nên 1 lần/năm đi khám định kỳ, có đo điện tim để bác sĩ có chỉ định dùng thuốc đề phòng ngay nếu có triệu chứng bệnh.

Trường hợp bệnh nhân trên đây được cứu sống là nhờ có sự phối hợp liên viện kịp thời, có sự chỉ đạo chuyên môn sát sao giữa các Chuyên gia khoa Tim mạch từ hai BV từ lúc tiếp nhận cũng như các loại thuốc và  phương pháp điều trị phù hợp.


Huyền Nga
.
.
.