Người đàn ông "thở" lại được nhờ phẫu thuật bằng Robot

Thứ Tư, 06/09/2017, 20:00
Ứng dụng phẫu thuật bằng Robot vừa giúp bảo tồn tối đa chức năng hô hấp lại nạo vét sạch toàn bộ cục u nhú trong phổi và các hạch lây lan đã cứu sống nam bệnh nhân.

Chiều 6-9, BV Bình Dân TP HCM cho biết về trường hợp trên là ông B.V.T. (56 tuổi, ngụ Vĩnh Long). Trong 1 đợt khám sức khỏe, ông được phát hiện có một thương tổn đơn độc ở phổi phải, thêm nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp và liệt nửa người phải do di chứng của đợt tai biến mạch máu não xảy ra hơn một năm trước. 

Đồng thời, ông T. nghiện thuốc lá nặng 30 năm nay với trung bình 2 bao thuốc/ngày. Sau khi được một BV thông báo về bệnh phổi, ông T. được gia đình đưa đến BV Bình Dân.

Trong phòng phẫu thuật bằng Robot tại Bệnh viện Bình Dân

Nghi ngờ nốt đơn độc ở phổi người bệnh là một tổn thương ác tính nên các bác sĩ cho chỉ định các xét nghiệm máu, chụp MS-CT scan lồng ngực để đánh giá. Đồng thời, ông T. cũng được xét nghiệm đàm để tìm trực khuẩn lao. Kết quả xét nghiệm lao âm tính nhưng kết quả chẩn đoán hình ảnh xác định nốt trong phổi có kích thước 2cm nằm ở thùy trên phổi phải.

Bệnh nhân tái khám tại Bệnh viện Bình Dân.

Có tới 40% các nốt đơn độc ở phổi là ác tính và cần phải được can thiệp phẫu thuật sớm vì ung thư phổi là ung thư có tiên lượng xấu, bệnh diễn tiến nhanh chóng và có tỷ lệ tử vong cao. Đó là lý do các bác sĩ khuyên ông T. lựa chọn phẫu thuật robot cắt thùy phổi.

Ca phẫu thuật được thực hiện do bác sĩ khoa Ngoại Lồng Ngực-Mạch Máu-Bướu cổ Trần Công Quyền thực hiện với sự hỗ trợ của chuyên gia về phẫu thuật nội soi ứng dụng robot đến từ Singapore . Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt trọn thùy trên phổi phải chứa nốt thương tổn với lượng máu mất chưa tới 50ml và bảo tồn tối đa các mô lành còn lại. Các hạch cạnh khí quản, cạnh tĩnh mạch chủ, nhóm hạch dưới phế quản và gần rốn phổi của người bệnh cũng được lấy trọn vẹn, triệt để mà không tổn thương mạch máu. Duy trì chức năng hô hấp, đảm bảo các hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân sau điều trị.

Trong ngày tái khám, ông cho biết đã khỏe mạnh và trở lại với các hoạt động hằng ngày, không gặp phải tình trạng khó thở, ho khan hoặc khàn tiếng.

Các bác sĩ cho biết, phẫu thuật robot trong điều trị ung thư phổi cho phép phẫu thuật viên quan sát rõ ràng các cơ quan trong lồng ngực chỉ qua một đường rạch nhỏ thay vì phải mở rộng lồng ngực hoặc cắt xương sườn như trước đây. Các cánh tay robot mang dụng cụ phẫu thuật thực hiện gập góc linh hoạt 540 độ

trong lồng ngực và hình ảnh 3D với độ phân giải cao cho thấy rõ nét mô lành và mô bệnh để phẫu thuật triệt để giúp các bác sĩ tách, cắt nhu mô phổi bệnh và can thiệp an toàn tĩnh mạch, động mạch rãnh liên thùy phổi. Người bệnh được phẫu thuật robot ít đau hơn, lành vết thương tốt hơn và xuất viện sớm hơn so với kỹ thuật mở ngực trước đây.

Bệnh viện Bình Dân là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật robot cắt phổi vì bên cạnh yếu tố công nghệ tiên tiến, cần có sự phối hợp thật tốt của các ê-kíp các bác sĩ gây mê có trình độ cao.

Huyền Nga
.
.
.