Người đàn ông mắc lao phổi 26 năm được cứu sống nhờ can thiệp tim mạch
- Vận chuyển thiết bị từ Hà Nội vào Huế cứu sống bệnh nhân COVID-19 nặng
- Cứu sống bệnh nhân bị đạn bi găm vào cột sống cổ
- 5 ê kíp cứu sống bệnh nhân nguy kịch truyền đến 49 đơn vị máu
BN Trần Văn V. có tiền sử lao phổi 26 năm đã điều trị đủ liệu trình, trong quá trình tập thể dục buổi sáng đột nhiên ho ra máu lượng lớn hơn 200ml.
Ngày 6/8, BN được đưa vào khoa Hồi sức cấp cứu BVT.Ư Huế trong tình trạng suy hô hấp cấp do tràn ngập máu đường thở và suy sụp tuần hoàn. BN được hồi sức tích cực với các thuốc cầm máu nhưng không ổn định và tình trạng ho ra máu nặng còn tiếp diễn, nguy cơ tử vong cao.
Các bác sĩ BVT.Ư Huế thực hiện ca can thiệp nút động mạch phổi đối với BN Trần Văn V.. |
Đến ngày 12/8, BN được nội soi phế quản cấp cứu phát hiện khối máu đông lớn và máu còn chảy ở thùy trên phổi phải. Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, Ban Giám đốc BVT.Ư Huế quyết định can thiệp nút động mạch phổi. Nếu thất bại, BN sẽ được tiến hành phẫu thuật cắt thùy phổi cấp cứu.
Chiều 13/8, với sự phối hợp giữa các bác sĩ Tim mạch can thiệp, can thiệp mạch não và Hồi sức tim mạch, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVT.Ư Huế, BN Trần Văn V. được ê kip các bác sĩ gồm: TS BS Hồ Anh Bình, Ths BS Lê Vũ Huỳnh và Ths BS Lê Văn Duy tiến hành can thiệp bít thành công 2 nhánh động mạch thùy trên phổi phải bằng coil. Sau 24 giờ can thiệp, BN huyết động ổn định, không còn ho ra máu. Hiện BN được theo dõi tại phòng bệnh nặng của khoa Cấp cứu Tim mạch can thiệp.
Hình ảnh nút động mạch phổi BN Trần Văn V. sau ca can thiệp. |
TS Hồ Anh Bình, Trưởng khoa Cấp cứu Tim Mạch can thiệp BVT.Ư Huế cho biết, ho ra máu có nhiều nguyên nhân gây ra như lao phổi, giãn phế quản, ung thư phổi, rối loạn đông chảy máu… Trong đó, ho ra máu do biến chứng của lao phổi là khá nặng nề, thường do vỡ phình mạch Ramussen, lượng máu mất khá lớn, nguy cơ tử vong nếu không hồi sức và cầm máu kịp thời.
BN Trần Văn V. tỉnh táo, không còn ho ra máu, sức khỏe ổn định sau ca can thiệp. |
Theo TS Bình, trước đây BN thường được chỉ định phẫu thuật cấp cứu cắt một phần thùy phổi để cầm máu. Tuy nhiên với sự phát triển của kỹ thuật can thiệp tim mạch như hiện nay, BN có thể được can thiệp nhanh chóng và an toàn dưới màn hình DSA. Bên cạnh đó, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, phương pháp can thiệp kỹ thuật cao được chọn lựa vừa đảm bảo an toàn hơn cho việc phòng dịch, vừa nhanh chóng cứu tính mạng BN.
“Đối với trường hợp của BN V., ê kip phải can thiệp các nhánh động mạch phổi qua đường tim để đảm bảo các nhánh động mạch phổi bị dò đều được bít hết, giảm thiểu nguy cơ tái phát ho ra máu sau can thiệp. Quá trình can thiệp phức tạp hơn, đòi hỏi sự phối hợp của cả ê kip chính xác, nhuần nhuyễn và kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng cuối cùng ca can thiệp đã thành công”, TS Bình cho hay.