Mổ não úng thủy tại Việt Nam:

Người bệnh phục hồi nhanh, chi phí thấp hơn nhiều lần ở nước ngoài

Thứ Hai, 31/12/2018, 07:26
Từ năm 2003, PGS.TS. Đồng Văn Hệ đã là người đầu tiên thực hiện phương pháp mổ nội soi não úng thủy ở Việt Nam. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của PGS.TS.


Một nữ bệnh nhân đã ngoài 40 tuổi bị đau đầu rất nhiều nên đã đi khám tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Chị được chẩn đoán bị não úng thuỷ -một căn bệnh do ứ đọng quá nhiều nước trong não gây tăng áp lực trong sọ. Chị liền sang Singapore điều trị vì tin rằng ở nước ngoài, phương pháp điều trị sẽ hiện đại hơn. Bệnh nhân được phẫu thuật và đặt ống dẫn lưu từ não xuống ổ bụng với chi phí cho ca mổ tới 40.000 USD.

Khi bệnh nhân về nước, thường phải đến Bệnh viện Việt Đức để chỉnh lại van trên ống dẫn lưu, PGS.TS. Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật thần kinh của Bệnh viện Việt Đức - rất ngạc nhiên. Bởi phương pháp mổ dẫn lưu là phương pháp kinh điển, rất nhiều bệnh viện tỉnh ở Việt Nam đã có thể thực hiện từ lâu.

Với phương pháp này, người bệnh sẽ phải mang dây dẫn lưu suốt đời với các điểm cố định ở ngực và bụng, nên các can thiệp về các bệnh lý ổ bụng của bệnh nhân về sau như mổ đẻ, mổ ruột thừa vv… đều ảnh hưởng đến dây dẫn lưu. Chưa kể ống dẫn lưu còn rất dễ tắc với tỉ  lệ tắc trong 5 năm ở các bệnh nhân sử dụng phương pháp này chiếm tới hơn 30%, ở trẻ em còn cao hơn. Mà mỗi ngày não tiết ra khoảng 500ml nước, sẽ không thể thoát ra được nếu bị tắc.

Ca phẫu thuật sọ não ở Bệnh viện Việt Đức.

Vì những nhược điểm nói trên của phương pháp mổ dẫn lưu, từ năm 2003, PGS.TS. Đồng Văn Hệ đã là người đầu tiên thực hiện phương pháp mổ nội soi não úng thủy ở Việt Nam. Đây cũng là đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước của PGS.TS.

Đồng Văn Hệ đã được nghiệm thu và được GS. Phạm Gia Khánh - Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành y, đánh giá là một trong số ít đề tài thành công nhất giai đoạn đó vì có nhiều ưu thế hơn hẳn phương pháp cũ.

Nếu phương pháp mổ kinh điển phải rạch nhiều chỗ trên đầu và bụng bệnh nhân, thì phương pháp mổ nội soi chỉ rạch một điểm nhỏ chừng 2cm, nên bệnh nhân phải chịu đau ít hơn, cũng không chảy máu nhiều như cách mổ cũ, lại ít tai biến. Vì thế, thời gian hồi phục nhanh, chỉ 3-4 ngày là ra viện, trong khi mổ theo phương pháp cũ phải mất ít nhất một tuần và bệnh nhân còn phải mang theo dây dẫn lưu cả đời. Đặc biệt, chi phí cho ca mổ nội soi não úng thủy chỉ chưa đến 20 triệu đồng. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ở Việt Nam có tới 1/1.000 trẻ bị mắc não úng thủy.

PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho biết, việc điều trị não úng thủy bằng phương pháp nội soi ở Việt Nam hiện nay rất hiện đại: Người bệnh được gội đầu và không cần cạo đầu, cắt tóc như trước. Việc phẫu thuật được thực hiện chỉ trong khoảng 60 phút.

Với các kỹ thuật hiện đại, nước não tủy sẽ chảy qua lỗ mở thông để chảy vào vòng tuần hoàn nước não tủy bình thường. Phương pháp này chỉ định tốt nhất cho não úng thủy thể tắc và không cần sử dụng van dẫn lưu não thất-ổ bụng hoặc não thất-tim.

“Với trường hợp như của nữ bệnh nhân trên thì ở Việt Nam, một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tiến hành mổ nội soi, người bệnh không chịu đau đớn và nhiều bất tiện như mổ theo phương pháp cũ, chi phí lại rẻ hơn rất nhiều và còn được bảo hiểm y tế chi trả”- PGS.TS. Đồng Văn Hệ khẳng định.

Giải thích về căn bệnh não úng thủy, PGS.TS. Đồng Văn Hệ cho biết: Đó là hiện tượng ứ đọng quá nhiều nước não tủy trong não thất và gây ra tăng áp lực trong sọ. Não úng thủy có thể xảy ra từ khi mới sinh (não úng thủy bẩm sinh), hoặc xảy ra trong quá trình phát triển ở bất cứ thời kỳ nào kể từ khi sinh ra (não úng thủy mắc phải). Những nguyên nhân gây não úng thủy bao gồm chấn thương sọ não, viêm màng não, khối u não, chảy máu trong não hoặc trong não thất, chảy máu khoang dưới nhện. Não úng thủy bẩm sinh thường gặp nhất do hẹp cống não. Não úng thủy bẩm sinh hay kèm theo những dị dạng khác.

Não úng thủy có nhiều biểu hiện dấu hiệu khác nhau tùy thuộc lứa tuổi của người bệnh: Trẻ nhỏ thường có biểu hiện đầu to hơn bình thường, vòng đầu to hơn so với tuổi của trẻ, vòng đầu tăng nhanh hơn so với tốc độ của trẻ bình thường. Thóp của trẻ phồng, hoặc căng.

Trường hợp nặng, da đầu rất mỏng, tĩnh mạch dưới da đầu nổi rõ. Khi khám có thể thấy hộp sọ của trẻ mềm. Mắt của trẻ có hình ảnh như “mặt trời lặn”. Trẻ có thể nôn, ngủ nhiều. Đối với trẻ lớn hơn, ngoài những dấu hiệu đầu to, nôn, ngủ nhiều, trẻ có thể bị giảm một số hoạt động như không bò hay ngồi được vững như trước khi bị bệnh. Hoặc không nói được như trước, nói khó hơn, nói ngọng.

Còn với người bệnh đã trưởng thành, biểu hiện thường gặp là đau đầu, nôn, buồn nôn, nhìn mờ, dễ kích thích, dễ nổi cáu, thay đổi tính cách, chậm, ngủ gà (dễ ngủ, ngủ nhiều), mất thăng bằng, đi đứng khó, mất tập trung (khó tiếp thu, khó học, học chậm, hay quên). Não úng thủy gây tăng áp lực trong sọ, nên người bệnh thường có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, phù gai thị…

Thanh Hằng
.
.
.