Nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết tại Việt Nam đã hoàn tất?
- Báo động sốt xuất huyết ở người lớn
- Sốt xuất huyết ở người lớn tăng cao
- Phòng chống sốt xuất huyết - không thể lơ là!
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, nguyên Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết do Công ty Sanofi Pasteur tài trợ, cho biết: Vaccine sốt xuất huyết Dengvaxia của Sanofi Pasteur được bắt đầu nghiên cứu cách đây hơn 20 năm và đã trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu trên động vật và trên người, về dược lý, tính an toàn, hiệu quả.
Đặc biệt, từ năm 2011 đến năm 2017, hai nghiên cứu lớn về tính an toàn và hiệu quả của vaccine được thực hiện và hoàn thành ở 10 quốc gia, trong đó có 5 quốc gia Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nghiên cứu được thực hiện trên 10.275 trẻ từ 2 đến 14 tuổi. Còn tại 5 quốc gia châu Mỹ gồm Brazil, Colombia, Honduras, Mexico và Puerto Rico được thực hiện nghiên cứu trên 20.986 trẻ từ 9 đến 16 tuổi.
Tại Việt Nam, từ năm 2011, nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh được giao thực hiện nghiên cứu trên 2.336 trẻ trong độ tuổi 2-14 tuổi tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang (1.402 trẻ) và thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (934 trẻ).
Kết quả phân tích tổng hợp của 2 nghiên cứu ở Đông Nam Á và châu Mỹ cho thấy, vaccine Dengvaxia cho hiệu quả cao trong việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở cá thể 9 đến 16 tuổi có xác định nhiễm sốt xuất huyết trước đó. “Ở Việt Nam, toàn bộ trẻ tham gia nghiên cứu và thử nghiệm vaccine đều an toàn, không xảy tai biến”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu xác nhận.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, công ty Sanofi Pasteur đã đăng ký lưu hành vắc-xin Dengvaxia ở nhiều nước trên thế giới. Vaccine này này được chỉ định để phòng chống bệnh sốt xuất huyết do 4 type huyết thanh của virus sốt xuất huyết gây ra. Đến tháng 11-2018, vaccine Dengvaxia đã được cấp phép ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Mexico, Philippines, Brazil, Peru, Costa Rica, Venezuela, Indonesia, Bolivia, Campuchia, Thái Lan, Guatemala, Paraguay, Malaysia, Singapore...
Đến ngày 12-12-2018, có 31 quốc gia châu Âu gồm: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumani, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Na Uy… cấp phép cho lưu hành vaccine Dengvaxia.
Ngày 1-5-2019 vừa qua, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (US FDA) cấp phép lưu hành vaccine Dengvaxia tại Hoa Kỳ. Như vậy, đã có 54 quốc gia trên thế giới cấp phép cho lưu hành vaccine Dengvaxia.
Riêng tại Việt Nam, hiện nhóm nghiên cứu đã trình kết quả nghiên cứu lên Hội đồng đạo đức (Bộ Y tế) chờ nghiệm thu và cấp phép. Theo Phó Giáo sư Trần Ngọc Hữu, việc Việt Nam tham gia nghiên cứu vaccine sốt xuất huyết là cơ sở khoa học để người dân có cơ hội tiếp cận sớm với một trong những giải pháp chính trong phòng chống sốt xuất huyết theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Ngoài ra, vị chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này cũng cho hay, khi vaccine được cấp phép lưu hành ở Việt Nam, Sanofi Pasteur cam kết ưu tiên cung ứng vaccine sốt xuất huyết cho Việt Nam với giá cả phải chăng nhất.