Báo động sốt xuất huyết ở người lớn

Thứ Tư, 24/07/2019, 07:54
Thời gian gần đây, người bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao, trong đó các số ca mắc là người lớn chiếm tỷ lệ khá cao, nhưng do chủ quan, lơ là nên đã để lại hậu quả nặng nề với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.


Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2019 có 17.936 bệnh nhân đến khám bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó 80% là người lớn. Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chuyên điều trị các bệnh lây nhiễm ở phía Nam, số ca nhập viện do SXH tăng gần gấp đôi và các ca bệnh nặng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

6 tháng đầu năm có 5.799 trường hợp nhập viện điều trị, trong đó 4.626 ca là người lớn. TP Hồ Chí Minh đã có 5 người tử vong do SXH thuộc địa bàn quận 2, 8, 10 và huyện Bình Chánh. Hiện các khoa, phòng của bệnh viện đã bố trí thêm nhiều giường để tiếp nhận bệnh nhân. Riêng tại Khoa nhiễm D điều trị SXH cho người lớn, bệnh viện đã bố trí thêm gần 30 giường cho bệnh nhân nằm.

Theo các bác sĩ của bệnh viện, SXH ở người lớn xuất hiện với tần suất nhiều hơn trước, nhiều người bệnh chủ quan khiến bệnh nặng thêm.

Ông Phan Xuân Dũng (64 tuổi, ở quận 3) điều trị tại Khoa nhiễm D cho biết thấy người tự nhiên bị sốt, mệt mỏi toàn thân, ông mua thuốc uống. Khoảng một tuần thì hết sốt, nhưng đầu lại đau nhức, chịu không nổi nên người thân đưa ông vào Bệnh viện quận 3 khám.

Bác sĩ Bệnh viện quận 3 chẩn đoán tụt tiểu cầu, có thể dẫn đến xuất huyết não nên nhanh chóng chuyển ông đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới điều trị. Khi biết mình bị SXH, ông Dũng không nghĩ rằng mình đã lớn tuổi rồi còn bị SXH.

Còn anh Nguyễn Văn An (27 tuổi, ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) điều trị tại Khoa nhiễm D cho biết, trước khi nhập viện, trong người mệt mỏi rồi sốt, nhức đầu, nhưng uống thuốc hạ sốt không đỡ nên đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để khám mới biết bị SXH.

Các bác sĩ lưu ý, phần lớn người bị sốt xuất huyết không biết mình bị muỗi đốt vào lúc nào nên nhiều trường hợp chủ quan. Thông thường, với các bệnh truyền nhiễm khác, lúc hạ sốt thì người bệnh đã khỏe hơn, bệnh có dấu hiệu nhẹ đi nhưng đối với sốt xuất huyết khi hạ sốt lại là thời điểm người bệnh dễ bị nặng nhất. Đối với những người có cơ địa đặc biệt hay mang các bệnh nền như tiểu đường, huyết áp, tình hình bệnh rất dễ nặng thêm. Riêng phụ nữ có thai, khi mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non.

BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, có nhiều trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết nhưng không được phát hiện sớm, khi vào viện đã có dấu hiệu chuyển nặng. Bệnh nguy hiểm ở chỗ hầu hết bệnh nhân đều không biết bị muỗi đốt khi nào, bệnh lại diễn tiến nặng sau khi đã hết sốt nên bệnh nhân dễ chủ quan.

 Lúc đó, bệnh nhân mới xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm như giảm tiểu cầu, suy gan, suy thận… Do đó, người dân cần nhận biết được dấu hiệu của sốt xuất huyết như: sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, đau khớp và cơ.

BS Trương Ngọc Trung, Phó phòng chỉ đạo tuyến thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, triệu chứng bệnh SXH nặng thường kín đáo, âm thầm, diễn tiến chậm. Bệnh nhân bị SXH dẫn đến tử vong cao nhiều nhất trong độ tuổi 16 đến 45 tuổi; 60% số ca tử vong có bệnh hen phế quản, bướu giáp đã mổ, có cơ địa béo phì, nghiện rượu... Có đến 90% nhập viện trong giai đoạn nguy hiểm, đa phần là công nhân, người lao động tự do, nội trợ…

Ngoài việc tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống SXH, BS Trương Ngọc Trung cũng đề xuất Bộ Y tế tăng cường công tác tập huấn về chẩn đoán, điều trị SXH cho các cơ sở y tế có tiếp nhận điều trị SXH, nhất là phòng khám chuyên khoa, trạm y tế, các bác sĩ trong bệnh viện có tham gia trực tiếp nhận bệnh, bệnh viện phụ sản, y tế tư nhân; tập huấn nâng cao cho các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bởi các bác sĩ hồi sức cấp cứu không được đào tạo chuyên sâu về hồi sức cấp cứu SXH; tập huấn cho đội ngũ điều dưỡng về công tác chăm sóc, theo dõi bệnh nhân SXH, tăng cường kỹ năng đánh giá bệnh SXH.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện tăng cường phòng chống dịch SXH. Đặc biệt, triển khai phong trào “Cuối tuần không có lăng quăng, cả tuần không có muỗi” cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, doanh trại quân đội… thực hiện tại nhà, nơi cư ngụ, nơi làm việc.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã tăng cường kiểm tra công tác phòng chống SXH tại các địa phương, nhất là các địa bàn có số ca mắc SXH tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã ban hành 64 quyết định xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch bệnh SXH, tăng 29 quyết định so với cùng kỳ 2018.

Nhân Sơn
.
.
.