Ngày mai, 1/11 Hội đồng tư vấn chuyên môn sẽ họp vụ tử vong sau tiêm chủng ở Hải Dương

Thứ Bảy, 31/10/2015, 08:57
Trong vòng một tuần, từ 20 đến 27/10, đã có 2 trẻ tử vong sau tiêm chủng khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi lo âu trong việc có quyết định cho con tiêm vaccine Quinvaxem hay không.


Ngày 30/10, trao đổi với PV Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, sau khi xảy ra sự việc, Hội đồng tư vấn về tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đã về địa phương để xem xét, kiểm tra. 

Sở Y tế Hải Dương, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã tiến hành các bước cần thiết, thành lập Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến sau tiêm chủng của tỉnh và tập hợp hồ sơ của vụ việc để sớm có kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu bé. Để có thể khẳng định nguyên nhân phản ứng sau khi tiêm Quinvaxem, phải dựa trên các bằng chứng khoa học, kết quả điều tra phản ứng sau tiêm và đánh giá của Hội đồng tư vấn chuyên môn.

Người dân vẫn đưa trẻ đến Trạm Y tế xã Ngọc Kỳ khám bệnh bình thường (ảnh chụp chiều 30/10).

Chiều 30/10, bác sĩ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cũng cho PV Báo CAND biết: Ngay sau sự cố, Sở Y tế tỉnh Hải Dương đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá toàn diện, tiến hành các bước điều tra theo đúng qui định. Sở Y tế tỉnh Hải Dương cũng đã cử đoàn thăm hỏi gia đình cháu bé và gia đình cũng đang chờ đợi kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong.

Những ngày qua, toàn bộ các qui trình từ tiếp nhận, vận chuyển vaccine, qui trình khám sàng lọc, phân loại trẻ trước khi tiêm, qui trình quản lý, sử dụng vaccine, tổ chức tiêm chủng… từ cấp tỉnh đến cơ sở đều được các đoàn kiểm tra đánh giá lại toàn bộ. Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, Hội đồng tư vấn chuyên môn sẽ họp vào chủ nhật, ngày 1/11, để phân tích và đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân tử vong của cháu V, tránh gây hoang mang trong các bậc phụ huynh về việc tiêm phòng cho trẻ.

Được biết, Hải Dương là một địa phương đã có nhiều năm làm tốt công tác tiêm chủng, cả về số lượng và chất lượng. Cháu Nguyễn Ngọc Tường V. là trường hợp tử vong đầu tiên được cho là có liên quan đến tiêm chủng. Bước đầu cho thấy, các nhân viên y tế đã thực hiện đúng quy trình từ vận chuyển vaccine, khám phân loại, thực hiện tiêm chủng đúng 50 cháu/buổi, có các bác sĩ có chuyên môn, đã được tập huấn và cấp chứng chỉ về tiêm chủng. Mặc dù vụ việc chưa có kết luận cuối cùng, song lô vaccine đã dùng tiêm cho cháu V. đã được ngưng sử dụng ở địa bàn.

Với câu hỏi, liệu vụ việc có ảnh hưởng đến việc tiêm phòng trên địa bàn, bác sĩ Nguyễn Đình Thực cho biết, vì tiêm chủng có đợt mà hiện chưa đến đợt tiêm chủng khác nên chưa thể đánh giá được số lượng trẻ đến tiêm có biến động hay không.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tử vong của trẻ. Có thể do vaccine, nhưng cũng có thể do sự trùng hợp tình cờ về bệnh tật của trẻ khi tiêm chủng, vì bình thường, mỗi ngày cả nước có khoảng 70 cháu dưới 1 tuổi tử vong do các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết, tim mạch vv…  Nếu do vaccine thì tại sao hàng nghìn cháu cũng tiêm lô vaccine đó không bị sao, còn về qui trình, cũng chưa thấy có dấu hiệu làm sai của nhân viên y tế.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc người dân băn khoăn khi vì sao lại chủ yếu thấy xảy ra phản ứng do vaccine của chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong khi với vaccine dịch vụ “5 trong 1” của Pháp, Mỹ thì lại không, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: Mỗi năm, Việt Nam chỉ có khoảng 100.000-300.000 mũi tiêm dịch vụ được sử dụng, thấp hơn nhiều so với 5,5 triệu liều vaccine Quinvaxem được tiêm cho trẻ của chương trình Tiêm chủng mở rộng. 

Hiệu quả của việc tiêm chủng vaccine Quinvaxem vẫn là không thể phủ nhận. Vì Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước với hơn 450 triệu liều, riêng Việt Nam đã tiêm hơn 25 triệu mũi Quinvaxem nên tỉ lệ trẻ mắc các bệnh bạch hầu, ho gà… đã giảm hẳn.

Các chuyên gia đều khuyến cáo người dân nên tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng để phòng bệnh hiệu quả, vì hiện nay, hầu hết các bệnh của trẻ chỉ có tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu duy nhất phòng bệnh, tránh tử vong do bệnh tật, như dịch sởi năm 2014.

Thanh Hằng
.
.
.