Ngành y tế vào “cuộc chiến” chặn “giấy phép con”

Thứ Ba, 19/04/2016, 17:19
Giữa năm 2015, khi Bộ Y tế lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu, đã có nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng trong lúc Chính phủ yêu cầu phải gỡ bỏ những rào cản kinh doanh, thì Bộ Y tế lại "đẻ" thêm “giấy phép con”. 

Có doanh nghiệp cho biết, nếu thực hiện quy trình mới, thì cứ một container thông quan, họ có nguy cơ phát sinh thêm 2,2 triệu đồng, nên tác động của dự thảo Thông tư này với doanh nghiệp của họ lên tới 1.100 tỷ đồng.

Ngày 21-1-2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 03/2016/TT-BYT Quy định về hoạt động kinh doanh dược liệu có hiệu lực từ 6-3-2016 và đã vấp phải ý kiến cho rằng, Thông tư này lại có những yêu cầu về “giấy phép con” với các cơ sở kinh doanh dược liệu, là trái với Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015.

Rõ ràng, “giấy phép con” đang là một vấn đề của ngành y tế trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, từ 1-7-2016, theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, toàn bộ các quy định về điều kiện kinh doanh tại các văn bản dưới cấp Nghị định sẽ không còn hiệu lực. Vì thế, xác định rõ thẩm quyền của mình, Bộ Y tế đang tích cực tham gia vào “cuộc chiến” nhằm chặn đứng “giấy phép con” với việc dự thảo các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để trình Chính phủ ban hành.

Kinh doanh dược liệu phải có giấy phép.

Sau khi rà soát các văn bản về điều kiện kinh doanh hiện có, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đúng là Bộ Y tế đang có nhiều Thông tư quy định điều kiện kinh doanh được ban hành trước khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, do chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân là lĩnh vực nhậy cảm, cần quản lý chặt chẽ để bảo đảm tốt nhất sức khỏe người dân. Theo Luật Đầu tư năm 2014, có 19 ngành, nghề đầu tư đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Bộ Y tế dự kiến xây dựng 12 Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh bao trùm các lĩnh vực quản lý của Bộ để trình Chính phủ ban hành, nhằm cải thiện môi trường cạnh tranh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc Bộ Y tế xây dựng các Nghị định thay vì tự ban hành các thông tư đã được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cùng Chính phủ nỗ lực rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các “giấy phép con”. Việc nâng toàn bộ các quy định từ cấp độ thông tư lên nghị định bị vướng mắc khi nhiều nội dung chi tiết và chỉ mang tính kỹ thuật đơn thuần lại thường xuyên thay đổi theo tiến bộ khoa học, kỹ thuật, như các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì khái niệm kinh doanh được hiểu là việc thực hiện liên tục một hoặc các công đoạn của quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, mà nếu đối chiếu với việc mua bán các hàng hóa, dịch vụ thuộc 19 ngành nghề trong lĩnh vực y tế quy định tại Luật Đầu tư thì là kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, thực tế có một số trường hợp việc mua bán lại không cần điều kiện, như bao cao su, bơm kim tiêm, đều là thiết bị y tế nhưng lại có thể mua bán tại các cơ sở kinh doanh thông thường như siêu thị, cửa hàng tạp hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, để giải quyết những vướng mắc này, Bộ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn về điều kiện kinh doanh và kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể thêm, đồng thời, phối hợp với các bộ ngành để báo cáo Chính phủ xem xét tháo gỡ trong xây dựng các Nghị định. 

Với yêu cầu phải vừa bảo đảm mục tiêu quản lý, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ Y tế xác định rõ điều quan trọng nhất là phải hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật. Do đó, Bộ Y tế hướng tới việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch, có như vậy mới nâng cao được hiệu lực của pháp luật và nhận được sự đồng thuận của xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Bộ sẽ tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin  đầy đủ, cập nhật và toàn diện thông qua nhiều hình thức vv… 

Tất nhiên, những bất cập về pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế sẽ được Bộ điều chỉnh kịp thời, bảo đảm cho văn bản quy phạm pháp luật luôn đi cùng thực tiễn, để theo kịp, giải quyết được các nhu cầu vốn thay đổi rất nhanh chóng trong thời đại ngày nay.

Bộ Y tế cũng cho rằng, vai trò của các doanh nghiệp trong góp ý kiến xây dựng chính sách rất quan trọng, vì là cách tốt nhất để pháp luật phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính công khai, minh bạch. Do đó, Bộ Y tế đã có Thông tư quy định việc bắt buộc phải xin ý kiến của các doanh nghiệp có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của văn bản, đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội thảo xin ý kiến chuyên đề đối với khối doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, mặc dù là đối tượng chịu sự tác động lớn của các văn bản qui phạm pháp luật, song các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn chưa tham gia tích cực trong việc góp ý cho dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay. Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ tăng cường cung cấp các thông tin trong quá trình lấy ý kiến doanh nghiệp với nhiều hình thức và có cơ chế giám sát định kỳ việc thực hiện yêu cầu này.

Thanh Hằng
.
.
.