Hạn chế tình trạng “giấy phép con” hành nông dân, doanh nghiệp

Thứ Năm, 23/10/2014, 12:58
Để quản lý được chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì”, Bộ NN&PTNT đã “sáng tạo” ra hàng loạt “giấy phép con” nhằm giành lợi thế cho cơ quan quản lý nhà nước. Đến khi nông dân “kêu trời”, người đứng đầu ngành Nông nghiệp mới giật mình.

Theo rà soát mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc ban hành các điều kiện kinh doanh thì Bộ NN&PTNT là một trong những Bộ có nhiều “giấy phép con” nhất. Ví dụ cụ thể được bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam, dẫn chứng: Theo Quyết định 47/2005/QĐ-BNN ngày 22/7/2005 của Bộ NN&PTNT thì vận chuyển trên 200kg mật ong hay 1 đàn ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch. Bà Phó Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam nhẩm tính, với sản lượng 45.000 tấn mật ong hàng năm, sẽ cần tới 225.000 giấy phép để chuyển ra khỏi các huyện. Giả sử cấp 1 giấy phép hết 1 ngày thì cần 225.000 ngày, tương đương 616 năm và nếu mất 2 ngày cho 1 giấy phép thì sẽ mất khoảng thời gian tương đương 1.232 năm.

Không chỉ vậy, “nhiều khi mật ong, đàn ong cứ chất đống ngoài trời chờ các đơn vị chuyên môn cấp giấy phép kiểm dịch. Ngoài trời mưa nắng thất thường, có khi ong thì chết còn mật ong thì mất chất”, bà Hằng ngậm ngùi.

Cũng trong lĩnh vực thú y, kiểm dịch, ông Phạm Quốc Ân, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi Quý Hiền (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) phản ánh tình trạng, giấy phép kiểm dịch thú y cho vận chuyển trứng gia cầm ra khỏi địa bàn. Theo ông Ân, các trang trại, hộ dân muốn bán trứng trong huyện thì phải có tem vệ sinh thú y; còn muốn bán ra ngoài huyện, ngoài tem đó còn phải có một bộ giấy vận chuyển kiểm dịch sản phẩm động vật ra ngoài địa phương huyện. Chi phí cho việc này, 1 quả trứng phải chịu thêm 50 đồng đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Hơn nữa, giấy phép này chỉ có giá trị trong vòng 1 ngày. “Để chấp hành tốt các quy định, không trốn tránh gì cả thì có lẽ chúng tôi phải cử hẳn một nhân viên túc trực ở trạm thú y để xin giấy, bởi cán bộ đi vắng thì không xin được. Đi chui thì bị phạt. Bây giờ, muốn bán được trứng, tôi toàn 11 giờ đêm đánh xe đi”, ông Chủ nhiệm HTX thẳng thắn. Một thực tế khác theo ông Ân là cũng không có ai đến kiểm tra xem quả trứng nhiễm chất gì. Chỉ nhìn thấy quả trứng, hoặc để trứng ở nhà chạy ra trạm lấy dấu kiểm dịch. Thế là xong

Nghe chuyện cấp cơ sở, lãnh đạo ngành nông nghiệp chỉ còn biết ngao ngán. Phát biểu với các doanh nghiệp, HTX, người nông dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “Nhiều khi kiểm dịch đi chỉ nhìn, mà nhìn thì có thấy virus, vi khuẩn gì đâu. Tôi đề nghị đồng chí Cục trưởng Cục Thú y làm việc theo tinh thần rất cầu thị và tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp, phải nghiên cứu để dỡ bỏ những thủ tục không cần thiết, thực sự nếu không có ích gì thì thôi, dẹp bỏ”.

Từ đó, ngay sau 2 diễn đàn nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo toàn bộ các cục, tổng cục trực thuộc Bộ rà soát tất cả các loại giấy phép liên quan đến thủ tục hành chính.

Văn bản thông báo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ghi rõ: “Các tổng cục, các cục thống kê tất cả các loại giấy phép, giấy chứng nhận đang cấp cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền; đề xuất loại bỏ, đơn giản hóa thủ tục cấp cho phù hợp với điều kiện hiện nay, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh”.

Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT phải kết thúc việc rà soát, thống kê và kiến nghị bỏ các thủ tục không cần thiết trước ngày 20/11/2014. Đơn vị chủ trì, Vụ Pháp chế được giao phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp rà soát và tổng hợp thẩm định để báo cáo với Bộ trưởng trước ngày 30/11/2014

Diệp Linh
.
.
.