Ngành y tế sẽ thay đổi mạnh về cơ cấu tổ chức và mô hình
- Trò chuyện với người "trong chăn" của ngành y tế3
- Ngành y tế nói gì về thuốc của VN Pharma trúng thầu tại khu vực TP Hồ Chí Minh?
- Thông tin minh bạch khi ngành y tế và báo chí hợp tác
- Ngành y tế vào “cuộc chiến” chặn “giấy phép con”
Bộ Y tế tinh giảm 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thu gọn các đầu mối để chỉ quản lý trực tiếp khoảng 20 đơn vị sự nghiệp, thay vì 82 đơn vị sự nghiệp như hiện nay. Kế hoạch thay đổi này đã được ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) xác nhận.
Ông Phạm Văn Tác cho biết thêm, thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế tổ chức bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả, các phòng trong Vụ, Cục trực thuộc Bộ Y tế đã được sắp xếp, thu gọn đầu mối từ 94 phòng xuống còn 59 phòng, giảm 35 phòng (chiếm 37,2%), đồng thời giảm 105 cán bộ lãnh đạo cấp phòng.
Trong quy hoạch phát triển ngành y tế đến 2025, tầm nhìn đến 2030, ngành y tế sẽ thành lập Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Trung ương trên cơ sở sáp nhập các Cục phụ trách công tác chuyên môn trong khối y tế dự phòng thành một đơn vị. Như vậy từ 3-4 đơn vị như hiện nay sẽ giảm còn 1 đơn vị.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng sẽ thành lập đơn vị kiểm soát dược, thực phẩm và thiết bị y tế Trung ương trên cơ sở các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm nghiệm, kiểm định, kiểm chuẩn, để giảm từ 3 đơn vị như hiện nay còn 1 đơn vị. Khối các đơn vị quản lý khám chữa bệnh có cùng chức năng nhiệm vụ tương đồng sẽ được xem xét thành 1 đơn vị.
Ngành y tế thay đổi về cơ cấu và mô hình sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng ngân sách. |
Hiện Bộ Y tế đang quản lý 82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Trong đó, có 21/38 bệnh viện/82 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ toàn bộ kinh phí thường xuyên với số lượng 17.584 biên chế và 1.693 hợp đồng. Như vậy, mỗi năm ngân sách Nhà nước không chi cho tổng cộng 18.277 người với số tiền khoảng 1.306 tỷ đồng/năm (tính trung bình lương 6 triệu đồng/tháng/người).
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát, chuyển giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa Trung ương đóng trên địa bàn các tỉnh về UBND tỉnh quản lý. Chỉ một số bệnh viện đầu ngành là cơ sở thực hành của các trường đại học y dược và một số bệnh viện chuyên khoa đặc biệt mới do Bộ Y tế quản lý.
Cũng theo ông Phạm Văn Tác, đối với tuyến y tế địa phương, hiện đã có 70/2.040 đơn vị tuyến tỉnh, thành phố tự chủ kinh phí thường xuyên, với khoảng 35.000 biên chế không phải chi lương từ ngân sách nhà nước, tiết kiệm khoảng 2.520 tỷ/năm (tính trung bình lương 6 triệu đồng/người/tháng).
Ở tuyến huyện, có 202/420 đơn vị tổ chức thực hiện hợp nhất Trung tâm Y tế huyện và bệnh viện huyện thành Trung tâm y tế huyện. Theo đó, nếu hợp nhất 420 Trung tâm y tế huyện và 420 bệnh viện đa khoa huyện, riêng ngân sách nhà nước chi cho lãnh đạo 840 đơn vị sự nghiệp công lập này sẽ giảm 120.960 tỷ/năm. Đồng thời sẽ giảm được khoảng 10.899 người làm hành chính (lái xe, thủ quỹ, văn thư, kế toán…), do đó ngân sách sẽ không phải chi khoảng 784 tỷ đồng/năm.
Các bệnh viện của Hà Nội sẽ tự chủ tài chính
Cùng với việc thu gọn bộ máy theo hướng tinh, nhẹ, năm 2018, ngành y tế Thủ đô cũng có thay đổi lớn. Theo bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 1-1-2018, tất cả các bệnh viện công lập tại Hà Nội sẽ thực hiện tự chủ tài chính, trừ các bệnh viện chuyên khoa đặc biệt như lao, phong, tâm thần vv…
Trước đó, từ ngày 1-10-2017, ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, tất cả các bệnh viện công lập cũng đã chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính.
Với việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, thay đổi mô hình hoạt động, ngành y tế sẽ giảm được bộ máy cồng kềnh, từ đó mỗi năm, Nhà nước sẽ giảm chi hàng nghìn tỷ đồng vì ngân sách không còn rót xuống cho các bệnh viện như trước. Đây là hiện thực hóa chủ trương lớn của Chính phủ.
Đặc biệt với việc phải tự lo toàn bộ nguồn thu cũng như tự cân đối thu - chi, các bệnh viện buộc phải thay đổi phong cách, thái độ phục vụ để thu hút người bệnh. Để tồn tại, các bệnh viện phải phát triển đồng đều các lĩnh vực, nhất là chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bởi nếu chuyên môn yếu, người bệnh sẽ đến bệnh viện khác cùng tuyến hoặc lên tuyến trên, nên sẽ mất nguồn thu. Các bệnh viện cũng phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chất lượng khám chữa bệnh, để cạnh tranh lành mạnh giữa các bệnh viện, vừa để “giữ” giữ người bệnh, vừa để giữ các thầy thuốc giỏi.