Ngành y tế huy động tổng lực phòng, chống dịch COVID-19
- Thông báo kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19
- Thủ tướng quán triệt mục tiêu ngăn chặn, hạn chế tối đa lây lan COVID-19 ra cộng đồng
- Quyết liệt ứng phó với diễn biến dịch bệnh COVID-19
Hai nhân viên y tế không phải là lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Sau 3 tháng chiến đấu với đại dịch COVID-19, ngày 20/3, Bộ Y tế đã công bố 2 nhân viên y tế đầu tiên của Việt Nam dương tính với SARS-CoV-2. Đó là ca bệnh thứ 86, nữ điều dưỡng 54 tuổi của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân 87 là nữ điều dưỡng 34 tuổi, làm nhiệm vụ tiếp đón, phân loại các bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, 2 nhân viên làm việc ở hai phòng cạnh nhau, có sinh hoạt chung, đi ăn, nghỉ nhiều lần với nhau trong thời gian qua. Bệnh nhân thứ 86 mắc sau đó lây sang bệnh nhân 87. Đây là hiện tượng lây bình thường, cũng như lây trong cộng đồng, khi tiếp xúc giữa người dương tính với những người tiếp xúc gần trong cộng đồng. Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định đây hoàn toàn không phải lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai thực hiện cách ly, xét nghiệm sau khi xảy ra sự việc. Kết quả xét nghiệm của 248 nhân viên y tế tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đều có kết quả âm tính.
Bác sĩ, y tá, điều dưỡng, những người trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh ở nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, rủi ro rất cao. Vì vậy, trong nhiều chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, luôn luôn đặt vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm cho nhân viên y tế, lây nhiễm trong bệnh viện, trong khu cách ly là nhiệm vụ quan trọng.
Sinh viên Đại học Y Hà Nội tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19. |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, trong các chuyến kiểm tra, giám sát tại cơ sở y tế, lãnh đạo Bộ Y tế thường xuyên nhắc nhở các bệnh viện phải hết sức cảnh giác, có chế độ phân luồng với người đi khám. Các cơ sở y tế phải có nơi khám và chỉ dẫn riêng cho những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở... Bên cạnh đó, các cơ sở phải có trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế ở những phòng phân loại, tuân thủ vệ sinh, sát khuẩn phòng khám, nơi làm việc… “Một lần nữa, chúng tôi mong muốn toàn bộ ngành y tế nhận thức được sự nguy hiểm của việc lây lan virus này, biết cách bảo vệ bản thân, người bệnh, bảo đảm không lây lan trong cơ sở y tế" – ông Sơn nhấn mạnh.
Huy động bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên y khoa tham gia chống dịch
Tính đến chiều 21/3, Việt Nam có 92 người nhiễm COVID-19, trong đó 17 người khỏi bệnh, 75 người đang điều trị. COVID-19 đã lây lan ra 185 quốc gia, vùng lãnh thổ. Những ca nhiễm COVID-19 vừa qua ở nước ta đều xâm nhập từ nước ngoài về, sau đó lây trong cộng đồng, trong những ngày tới sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh khi người Việt nhập cảnh còn về nước. Bộ Y tế xác định, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đang bước sang giai đoạn mới, giai đoạn đầy khó khăn và thử thách đối với toàn đất nước nói chung và ngành y tế nói riêng. Vì vậy, giai đoạn này đòi hỏi phải có sự nỗ lực hơn nữa, sự quyết tâm hơn nữa, sự quyết liệt hơn nữa mới có thể khống chế dịch bệnh.
Ngày 21/3, Bộ Y tế đã phát động đợt thi đua đặc biệt phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong toàn ngành y tế. Theo đó, Bộ huy động toàn bộ lực lượng trong ngành y tế, y tế Nhà nước, y tế tư nhân, các lực lượng quân dân y, các trường đào tạo ngành y, các lực lượng cán bộ y tế đã nghỉ hưu chủ động, tích cực tham gia vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo phương châm chống dịch như chống giặc với khẩu hiệu: “Chủ động ngăn chặn - Phát hiện sớm - Cách ly kịp thời - Khoanh vùng gọn - Dập dịch triệt để - Điều trị khỏi bệnh”. Chuẩn bị tốt nhất lực lượng, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, bảo đảm phản ứng nhanh, kịp thời, hành động đúng; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát.
Các đơn vị thuộc khối dự phòng tập hợp các lực lượng, thành lập các đội phản ứng nhanh trong công tác phòng chống dịch. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, hệ thống khám chữa bệnh Trung ương tới cơ sở chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị sẵn sàng đón tiếp và điều trị bệnh nhân theo các hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến. Luôn nêu cao cảnh giác đối với các trường hợp nghi ngờ, thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định, quy trình về điều trị, phòng lây nhiễm chéo trong điều trị. Tập hợp các chuyên gia, những bác sỹ có nhiều kinh nghiệm không kể nhà nước, tư nhân, về hưu hay đương chức trong việc điều trị các trường hợp nhiễm COVID-19 tại địa phương. Các chuyên gia, bác sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ và cách ly tại các cơ sở y tế khi điều trị bệnh nhân để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng.
Cán bộ y tế cơ sở, cán bộ y tế tư nhân, cán bộ y tế nghỉ hưu, mạng lưới cán bộ làm công tác dân số tại các địa phương sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi chính quyền địa phương phân công, kêu gọi. Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo ngành y, dược; các viện, trung tâm nghiên cứu trong lĩnh vực y dược, các thầy cô giáo và các em sinh viên ngành y dược, tăng cường tập huấn chuyên môn về phòng chống dịch bệnh; về chăm sóc bệnh nhân, về giám sát, xét nghiệm phát hiện, về các biện pháp phòng chống dịch tại cộng đồng. Sẵn sàng tình nguyện thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh khi được phân công.
Bộ Y tế kêu gọi Tổng hội Y học Việt Nam và các tổ chức thành viên, Công đoàn y tế Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng cùng đoàn kết, cùng hành động vì mục đích cao cả là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bộ Y tế kêu gọi mỗi cá nhân, tập thể trong ngành y tế phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc cùng đồng lòng, đoàn kết, thực hiện thắng lợi đợt thi đua đặc biệt, bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân.
Bộ Y tế yêu cầu mạng lưới y tế cơ sở tổ chức việc quản lý, rà soát tất cả các trường hợp người cao tuổi, người mắc bệnh lý mãn tính, các bệnh không lây nhiễm thực hiện việc chăm sóc sức khỏe tại nhà. Rà từng ngõ, gõ từng nhà, ưu tiên lập hồ sơ sức khỏe cho người lớn tuổi và các thành viên trong gia đình. Thực hiện việc điều trị chăm sóc sức khỏe cho người lớn tuổi, người mắc bệnh lý nền, thực hiện việc cấp phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính tại nhà ít nhất trong hai tháng và theo dõi sức khỏe thường xuyên cho các đối tượng này. Quan tâm chăm sóc các đối tượng yếu thế trong xã hội theo phương châm không một ai bị bỏ lại phía sau. |