Bệnh viện tâm thần quá tải vì nắng nóng

Thứ Tư, 01/06/2016, 18:50
Hà Nội bắt đầu vào dịp nắng nóng đỉnh điểm, nhiệt độ có lúc lên tới 38-40 độ C, trong khi dự báo từ ngày 1-6, nắng nóng sẽ mở rộng ra các tỉnh Bắc Bộ. Vì thế, những ngày này, bệnh nhân nhập viện ở nhiều nơi đã bắt đầu tăng, khiến một số bệnh viện (BV) đã quá tải, nên các bác sĩ phải phục vụ rất vất vả.


Theo BS. La Đức Cương, Giám đốc BV tâm thần Trung ương 1, trong vòng nửa tháng qua, mỗi ngày số lượng người đến khám ở BV đã tăng 20%. Những người đến khám bệnh chủ yếu ở lứa tuổi lao động, từ 25-40 tuổi và thuộc mọi thành phần, từ trí thức đến nông dân, công nhân vv...

Những bệnh thường gặp trong dịp nắng nóng cao độ là tâm thần phân liệt, động kinh, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần do rượu vv… Vào mùa hè, bệnh nhân tâm thần ở đây thường tăng hơn mùa đông khoảng 100 giường bệnh, nhưng hiện mới đầu hè mà số giường bệnh đã tăng thêm 50 giường.

Bình thường, điều trị bệnh tâm thần đã gặp nhiều khó khăn, lại gặp thời tiết nắng nóng dễ gây căng thẳng thần kinh cho người bệnh, nên việc điều trị càng phức tạp và kéo dài, các bác sĩ cũng phải thay đổi loại thuốc cho phù hợp. Trong khi đó, chỉ một số phòng điều trị có điều hòa, còn một số phòng chưa thể lắp, vì dễ bị bệnh nhân đập vỡ.

BS. La Đức Cương lưu ý, thời tiết nắng nóng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tâm thần vì thế, người dân cần hạn chế tối đa việc ra ngoài trời nắng nóng. Vì nắng mệt, dễ khiến cơ thể mệt mỏi, khó kiềm chế bức xúc, vì vậy, cũng cần tránh bức xúc, tránh bị sang chấn tâm thần.

Khoa thần kinh -BV Bạch Mai khá đông bệnh nhân

Tại BV 198 (Bộ Công an), số lượng bệnh nhân cũng tăng, nhất là ở các khoa tim mạch, ung bướu, hô hấp vv… đang bị quá tải, khiến các bác sĩ khá vất vả.  Thiếu tướng Trần Văn Sáu, Giám đốc BV cho biết, hiện mỗi ngày có tới 1.000 người đến khám bệnh và 900 bệnh nhân điều trị nội trú, trong khi BV chỉ có 600 giường bệnh.

Các bệnh nhân khám và nhập viện trong những ngày nắng nóng chủ yếu mắc các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu chảy vv… Để ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân, nhất là trong mùa nắng nóng, BV đã và đang triển khai việc lắp điều hòa nhiệt độ tại các phòng bệnh, để trong thời gian tới, 100% phòng bệnh có điều hòa.

Hiện số lượng bệnh nhi đến khám ở BV Nhi Trung ương vẫn ở khoảng 1.300 bệnh nhân mỗi ngày, cùng số điều trị nội trú khoảng gần 1.000.

So với những ngày trước đây, số bệnh nhân chưa tăng nhiều, cũng như chưa có bất thường, nhưng theo TS. Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV cho biết, nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài như 2 ngày qua, nguy cơ trẻ bị ủ bệnh sẽ cao hơn, vì vậy, số bệnh nhân đến khám và điều trị chắc sẽ tăng trong những ngày tới.

 Dù chưa có trẻ phải cấp cứu như những mùa hè trước, nhưng các bệnh nhân đến khám và điều trị tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai những ngày này cũng chủ yếu là các bé bị các bệnh ho sốt, tiêu chảy.

TS. Trần Minh Điển lưu ý các bà mẹ nhớ cho trẻ uống nước nhiều trong những ngày nắng nóng. Không nên cho trẻ ra ngoài nắng, mà nếu đưa trẻ đi chơi phải cho trẻ ở nơi râm mát và tránh khoảng thời gian nắng nhất trong ngày là từ 10h đến 16h chiều.

Đã có nhiều trẻ phải nhập viện do nắng nóng

Theo ghi nhận của chúng tôi, nắng nóng cao điểm mới bắt đầu, nhưng ở các BV, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phải vất vả hơn khi phải chờ đợi khám bệnh, chăm sóc bệnh nhân, nhất là ở các BV tuyến Trung ương luôn đông người bệnh. Cảnh vạ vật của người nhà bệnh nhân diễn ra khá phổ biến.

Tuy nhiên, hiện hầu hết các bệnh viện đông bệnh nhân như BV Bạch Mai, Việt Đức, Phụ Sản Trung ương, Xanh Pôn vv.... đều đã có đủ ghế ngồi và quạt điện ở các phòng chờ thoáng mát cho bệnh nhân và người nhà họ ngồi trong lúc chờ đợi.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt hiện nay, để giảm thiểu tác hại đến sức khỏe người dân, ngày 1-6, TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các BV trên địa bàn phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, đảm bảo chống nắng, nóng cho người bệnh, chủ động chống quá tải tại các khu vực khám bệnh, như tăng bàn khám, bàn thu viện phí, cải tiến quy trình thủ tục, khám bệnh theo lịch hẹn, để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các BV phải đảm bảo đủ các loại thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu do thời tiết nắng nóng gây ra, như say nắng, say nóng, viêm đường hô hấp cấp.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng để tăng cường kiểm tra các loại thực phẩm, nước uống tiêu thụ nhiều trong những ngày nắng nóng, như nước đóng chai, đóng bình, nước đá, bếp ăn tập thể, nước giải khát, nhằm ngăn chặn các vụ ngộ độc thức ăn và bệnh đường ruột.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân chú ý phòng chống các dịch bệnh dễ xảy ra trong mùa nắng nóng. Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra mồ hôi nhiều, cần bù nước đầy đủ để không gây mất nước, điện giải. Bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp dễ gây nhiễm lạnh.

Việc không đảm bảo ATVSTP chính là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp. Ngoài ra môi trường nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh như sốt do vi rút, bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, bệnh viêm da do tụ cầu…

Vì thế, mọi người không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp.

Chú ý ăn chín, uống chín, đảm bảo VSATTP, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể. Tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường để muỗi không có nơi phát triển.

Thanh Hằng
.
.
.