Chiếc máy "kỳ diệu" tại Bệnh viện 30-4 cứu sống bệnh nhân suy tim

Thứ Năm, 28/02/2019, 19:05
Nam bệnh nhân N.V.U (54 tuổi, một cán bộ thuộc lực lượng Công an tỉnh phía Nam) bị suy tim nguy kịch đã được ứng dụng phẫu thuật can thiệp nội mạch đặt máy tái tạo đồng bộ tại Bệnh viện 30-4, ngăn chặn kịp thời cơn đột tử bất ngờ. Bệnh nhân đã được phẫu thuật đúng vào ngày 27-2 vừa qua.


Chiều 28-2, Ths-BS Nguyễn Quốc Khoa, Phụ trách Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện 30-4 cho biết, hiện tại sau 1 ngày được đặt máy, sức khoẻ bệnh nhân tiến triển rất tốt, sẽ sớm được xuất viện.

Trước đó vào ngày 11-2, bệnh nhân N.V.U được người nhà đưa vào Bệnh viện 30-4 trong tình trạng khó thở, tức ngực, mệt mỏi, đuối sức, khó ngồi tỉnh táo. Đặc biệt ông cho biết, trong vòng 2 năm trở lại đây ông luôn có hiện tượng mệt mỏi khi gắng sức, chóng mệt khi làm việc. Cho tới ngày nhập viện tình trạng các triệu chứng rất nặng. Bệnh nhân nguy kịch mặc dù đã được hỗ trợ thuốc men tối đa. Đặt máy điều trị tái đồng bộ tim là giải pháp duy nhất lúc này.

Những hình ảnh ghi nhận tại phòng mổ can thiệp giữa Ê kíp các bác sĩ Bệnh viện 30-4 và Chợ Rẫy đặt máy tái tạo đồng bộ cho bệnh nhân.

Ngay sau khi có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân được thực hiện nhiều loại xét nghiệm kiểm tra. Kết quả chẩn đoán đúng như suy nghĩ hướng tới của các bác sĩ, đó là bệnh nhân bị suy tim NYHA III-IV (EF 20-30%), kèm theo bệnh đái tháo đường típ 2, và gây thiếu máu cục bộ mãn tính.

Hình ảnh chụp X-quang cho thấy 3 điện cực trong buồng tim sau khi đã hoàn tất ca can thiệp đặt máy tái tạo đồng bộ.

Ths.BS Quốc Khoa cho biết, bệnh nhân cũng đã được chụp mạch vành kiểm tra để xác định tình trạng  hẹp mạch vành và xác định lỗ xoang vành để đặt máy.

Ca mổ can thiệp đặt máy tạo nhịp tái tạo đồng bộ cho bệnh nhân đã được phối hợp giữa bác sĩ hai bên: ê kíp can thiệp tim mạch Bệnh viện 30-4 cùng sự giám sát chuyên môn của TS.BS Lê Thanh Liêm (Nguyên trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Nhịp tim học TP. HCM). Việc thực hiện đặt máy tái đồng bộ (CRT-D) là để điều trị suy tim và phòng ngừa đột tử cho bệnh nhân. Quá trình đặt máy rất may mắn là diễn ra thành công tốt đẹp.

Mỗi năm theo thống kê từ phía BV 30-4 nhu cầu bệnh nhân bị suy tim muốn áp dụng kỹ thuật trên vào khoảng 30 trường hợp. Y bác sĩ trong khoa Tim mạch BV 30-4 hiện nay đã làm chủ được kỹ thuật này. Tuy nhiên, chi phí cho một máy đặt tái tạo đồng bộ còn rất cao: khoảng 500 triệu đồng. Chính vì vậy không phải bệnh nhân nào muốn có mà được.

Cũng theo Ths.BS Quốc Khoa, Bệnh viện 30-4 là bệnh viện thứ 5 trên địa bàn TP. HCM có khả năng thực hiện được kỹ thuật này. Với thế giới, đây là phương pháp ưu thế và hiệu quả cao, có thể giúp đảo nghịch quá trình suy tim, tái cấu trúc cơ tim.

H.Nga
.
.
.