Quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ngày càng kém hiệu quả?

Thứ Tư, 02/12/2015, 18:11
Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang là mối quan tâm của toàn xã hội, khi ngộ độc thực phẩm (NĐTP) xảy ra khá phổ biến cùng với việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) bừa bãi. Đến mức, ATTP trở thành nội dung quan trọng tại kỳ họp Quốc hội.

Mới đây, với lời phát biểu đầy tính xác thực của đại biểu Trần Trọng Vinh (Hải Phòng): “Chưa bao giờ con đường từ dạ dày tới nghĩa địa lại nhanh chóng và dễ dàng như bây giờ”. Với nỗi lo âu ấy, ngày 2-12, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã tổ chức hội thảo về chính sách, pháp luật ATTP, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, hội, để việc quản lý ATTP thực sự hữu hiệu, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Hội thảo về chính sách ATTP thu hút chuyên gia nhiều ngành.

Nguy cơ về ATTP tràn lan là những thách thức với người dân. Các cơ quan chức năng đã phát hiện việc pha trộn hóa chất không rõ nguồn gốc để “biến” đậu nành thành “cà phê”; hàng loạt chất tạo nạc như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine… được phát hiện; cốm nhuộm hóa chất độc; 100% mẫu bún ở TP.HCM không đạt chỉ tiêu ATTP; giá đỗ dùng thuốc kích  thích của Trung Quốc bị bắt giữ, giấm chín nhanh siêu tốc trái cây bằng hóa chất độc hại của Trung Quốc vv… Mà, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, đặc biệt là phụ gia không được phép, tác hại khôn lường cho sức khỏe. Theo Bộ Y tế, mỗi năm có trên 5.000 người bị NĐTP cùng vài chục người tử vong, nhưng ông Nguyễn Tử Cương, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông –Lâm cho rằng, đây chỉ là số NĐTP cấp tính, còn việc tích tụ sinh ra các bệnh mãn tính thì chưa có thống kê.

PGS.TS. Ngô Tiến Hiển, Chủ tịch Hội KHCN lương thực, thực phẩm Việt Nam chỉ ra nguy cơ về ATTP hiện nay là do: Văn bản pháp lý chậm và muộn, Luật ATTP ra đời một năm mới có Nghị định hướng dẫn. Chế tài xử phạt không có tác dụng răn đe vi phạm. Chỉ tiêu và mức giới hạn ATTP có khi tùy tiện, áp đặt, võ đoán. Công tác quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV còn nhiều hạn chế.

Các hành vi gian dối gây mất ATTP để kiếm lời diễn ra ở mọi nơi, mọi lúc mà chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm. Việc tiêm thuốc ngủ cho lợn trước khi vận chuyển, bơm nước vào dạ dày trâu, bò, lợn có kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh hay sử dụng chất bluleteron để tạo nạc có thể gây ngộ độc thần kinh, suy thận và ung thư, nhưng dù được phát hiện đã nhiều năm mà đến nay vẫn không có biện pháp ngăn chặn.

Theo ông Nguyễn Tử Cương, thực trạng mất ATPP trên là do càng ngày hoạt động quản lý Nhà nước về ATTP càng kém hiệu quả. Luật, Thông tư, Quyết định không ban hành đồng thời, văn bản của Bộ nào do Bộ đó xây dựng và việc thẩm định chỉ dừng lại ở trình tự pháp lý. Vì thế, các cơ quan thực thi dựa vào văn bản nào có lợi (lợi ích nhóm/tham những chính sách) cho mình nhất. Một doanh nghiệp chịu sự kiểm soát ít nhất 5 cơ quan thuộc 3 bộ và không biết làm thế nào là đúng luật.

Bà Hoàng Thị Hoa -Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận những ý kiến tại hội thảo.

Các chuyên gia đã phân tích và chỉ ra những tồn tại như kiến thức về ATTP của cán bộ quản lý nhà nước không đầy đủ, không đồng bộ, nên cùng một khái niệm cơ bản nhưng cách hiểu khác nhau; cùng một hiện tượng nghi vấn ATTP nhưng cách giải quyết cũng khác. Lực lượng quản lý nhà nước về ATTP quá đông, cồng kềnh, chồng chéo và không hiệu quả: Bộ NN&PTNT có tới 7 cơ quan, Bộ Y Tế có 2 cơ quan, Bộ Công thương có 3 cơ quan. Lực lượng kiểm tra ATTP thường xuyên nhằm vào cơ sở lớn để kiểm tra vì dễ thu tiền, dễ phạt và bỏ rơi những cơ sở không có khả năng thu phí.

Điều này do chưa có văn bản quy định người quản lý ATTP phải chịu trách nhiệm do làm sai hoặc bỏ nhiệm vụ. Cách quản lý trên khiến làm lẫn lộn giữa nhà sản xuất chân chính với bọn làm ăn gian dối; khâu quảng cáo và tiếp thị bị buông lỏng quản lý, khiến người tiêu dùng hoang mang không biết sử dụng thực phẩm nào an toàn. Kiểm soát hoạt động phòng kiểm nghiệm thiếu chặt chẽ dẫn đến cùng xét nghiệm ATTP nhưng 3 Bộ có quyền chỉ định; cùng một mẫu sản phẩm nhưng các phòng kiểm nghiệm khác nhau, có kết quả sai khác vài trăm tới vài ngàn lần, nhưng không xử lý phòng kiểm nghiệm sai.

Ý kiến của ông Trần Tuấn (Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam) thu hút sự quan tâm tại hội thảo khi chỉ ra nguyên nhân của tình trạng yếu kém đó là do thiếu kiên quyết trong quản lý, sự yếu kém, trì trệ của giới khoa học trong vận động chính sách bằng chính các bằng chứng khoa học. Tổ chức quản lý Nhà nước nhưng chỉ vì lợi ích từng bộ, ban, ngành và duy ý chí. Truyền thông cũng gây lẫn lộn thông tin, làm thiệt hại cho người dân. Các bộ chưa có tiếng nói cần thiết. Tại nhiều cuộc họp ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) về ATTP, có đại diện Bộ Công thương và Bộ TN&MT, nhưng khi về nước, các tài liệu quan trọng của hội nghị đã không được chuyển cho các ngành mà để có các nhóm lợi ích tiếp tục chi phối. Các nhà khoa học chưa làm được vai trò nghiên cứu, quan sát, đánh giá và phản biện thông tin để tư vấn chính sách cho Nhà nước.

Các chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến cho chính sách về ATTP.

Các chuyên gia của các ngành, hội, đoàn thể đã đề xuất các giải phápđể khắc phục yếu kém trong quản lý ATTP hiện nay: Phải xóa bỏ chồng chéo, mâu thuẫn và lợi ích nhóm trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; kiến thức ATTP phải thống nhất từ công quyền đến dân; hệ thống kiểm soát phải thu về một mối, tinh gọn, kiểm soát theo chuỗi và lấy mục đích an toàn cho sức khỏe làm mục tiêu. Đặc biệt, cần xã hội hóa mọi nguồn lực để hỗ trợ cho quản lý nhà nước. Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm. Hàng năm, Bộ Y tế xem xét, rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp. Bộ NN&PTNT ban hành văn bản hướng dẫn kiểm tra thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu.

Bà Hoàng Thị Hoa -Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - đồng tình với các ý kiến tại hội thảo như trình độ của người làm quản lý ATTP, những bất cập trong quản lý ATTP, cần tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội. Bà cho biết, sẽ có ý kiến với các Ban soạn thảo luật bổ sung văn bản pháp luật phù hợp.

Thanh Hằng
.
.
.