[Lo lắng] Nếu người nhiễm MERS xuất hiện trong khu khám bệnh

Thứ Sáu, 19/06/2015, 17:45
Trước tình huống của Bộ trưởng Y tế đặt ra “khi có một trường hợp nhiễm MERS xuất hiện tại khu khám bệnh ngồi chung với các bệnh nhân khác”, đại diện hầu hết các bệnh viện tại TP HCM đều bối rối...
>> Các bệnh viện trên toàn quốc đã kích hoạt phòng, chống MERS-CoV
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra hoạt động, vận hành của máy đo thân nhiệt từ xa tại khu vực cửa khẩu sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sáng 19/6, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng chống dịch MERS - CoV tại TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, hiện khu vực kiểm dịch Y tế quốc tế có 4 máy đo thân nhiệt từ xa, 87 nhiệt kế, 780 bộ quần áo chống dịch các loại, 13 máy phun hóa chất khử trùng...

Hàng ngày, sân bay Tân Sơn Nhất đón 3 chuyến bay đến từ Trung Đông, 7 chuyến bay từ Hàn Quốc với khoảng gần 1.800 hành khách. Tuy nhiên khách Hàn Quốc đa phần không biết tiếng Anh nên khó giao tiếp và khai báo y tế. 

Trước tình hình Thái Lan xuất hiện ca MERS đầu tiên vào ngày 18/6, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ với hành khách tới từ Thái Lan cũng đang được thực hiện. Mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón 2-3 chuyến bay từ Thái Lan tới TP HCM với khoảng 300 hành khách. Tuy nhiên, hành khách đến từ Thái Lan vẫn chưa có quy định phải thực hiện tờ khai y tế, nên trung tâm kiểm dịch đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Cục Y tế dự phòng.

Hướng dẫn hành khách tới từ vùng dịch làm thủ tục kê khai Kiểm dịch y tế quốc tế tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 19/6.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng làm việc với lãnh đạo một số bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối tại thành phố có nhiệm vụ tiếp nhận điều trị và cách ly bệnh nhân nghi nhiễm MERS - CoV như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhắc nhở các bệnh viện tăng cường thêm phòng áp lực âm và có phương án mở rộng khu cách ly khi xuất hiện nhiều trường hợp nghi mắc MERS - CoV.

Bộ trưởng đặc biệt lưu ý trước mắt các bệnh viện phải thực hiện nghiêm túc việc chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Ngoài ra, Ban lãnh đạo các bệnh viện hết sức chú ý tới nhiệm vụ triển khai công tác phân luồng và cách ly ngay tại các khoa khám bệnh. Khi bệnh nhân tới khoa khám bệnh thì cần phân biệt được chính xác ngay kể cả là trường hợp bệnh nhân nào bị nhiễm cúm A/H1N1 hay cúm A/H5N1.

Chiều cùng ngày, tại UBND TP HCM, Bộ trưởng cũng có buổi họp nhanh với Sở Y tế TP HCM và các bệnh viện trên địa bàn, đại diện trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của UBND 24 quận huyện về công tác phòng chống dịch MERS.

Báo cáo với Bộ trưởng, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận 6 ca nghi nhiễm MERS, trong đó có 5 ca tự đến bệnh viện khai báo sức khỏe và làm các xét nghiệm kiểm tra, 1 bệnh nhân đến từ Trung Đông được Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất chuyển đến vì phát hiện thân nhiệt cao bất thường qua hệ thống máy theo dõi thân nhiệt từ xa. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả bệnh nhân đều âm tính với vi rút MERS.

Hệ thống y tế điều trị và y tế dự phòng tại TP HCM đang tổ chức tập huấn cho y bác sĩ trên địa bàn và các bệnh viện tuyến tỉnh về lấy mẫu xét nghiệm, cách ly, điều trị bệnh nhân MERS.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải vốn diễn ra đang gây áp lực lớn đối với ngành y tế. Các trang thiết bị đã được tăng cường tối đa, nhưng trường hợp xuất hiện dịch MERS với đông bệnh nhân, bệnh viện khó đáp ứng. Hầu hết máy thở, phòng điều trị áp lực âm (mỗi bệnh viện chỉ có 1 phòng) hiện đã sử dụng gần hết vào việc cứu chữa cho những ca bệnh nặng. Riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy, máy ECMO (lọc máu tuần hoàn ngoài cơ thể) dùng để cứu chữa cho ca bệnh suy hô hấp cấp nặng thì mới chỉ có duy nhất 1 chiếc.

Bộ trưởng Kim Tiến đã đặt ra tình huống khi có một trường hợp nhiễm MERS xuất hiện tại khu khám bệnh ngồi chung với các bệnh nhân khác, bệnh viện sẽ xử lý ra sao.

Trước vấn đề trên, đại diện của hầu hết các bệnh viện đều bối rối bởi tình trạng bệnh nhân đến khám mỗi ngày quá đông. Trung bình từ 4.000 tới 6.000 bệnh nhân/ngày tại mỗi bệnh viện. Quá tải nhất là tại Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi khu khám bệnh chật chội, nhân lực y tế còn thiếu, thì nguy cơ phân luồng người bệnh nghi nhiễm hay nghi nhiễm các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác gần như là rất khó khăn.

Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện thực hiện quyết liệt việc dự phòng lây nhiễm, nhiễm chéo ngay trong bệnh viện, dựa vào nguồn lực sẵn có của mình. Bên cạnh đó, TP HCM cần chuẩn bị phương án lập bệnh viện dã chiến dành riêng cho việc điều trị MERS trong trường hợp dịch bệnh xuất hiện với số đông ca bệnh.

H.Nga
.
.
.