Lỗ hổng quản lý tồn tại kéo dài
- Động bay lắc trong BV Tâm thần Trung ương I bị triệt phá như thế nào?
- Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I: Tôi không biết có bay lắc trong bệnh viện
- Bệnh viện Tâm thần Trung ương I báo cáo gì về động bay lắc?
Cũng tại bệnh viện này, đã từng xảy ra vụ án làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho đối tượng hình sự. Cách đây vài năm, Công an Hà Nội cũng từng triệt phá vụ ma túy lớn, bắt giữ trùm ma túy giả điên vào điều trị tại Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Lỗ hổng về mặt pháp luật trong một số cơ sở điều trị tâm thần đã gây ra hậu quả khôn lường cho xã hội ở nơi được gọi "lương y như từ mẫu".
Nhiều lần vi phạm
Năm 2018, Công an TP Hà Nội đã điều tra đường dây làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho các đối tượng hình sự để đối phó với cơ quan pháp luật xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Vụ việc được phanh phui, người ta mới thấy hết những thủ đoạn lắt léo của tội phạm giả điên để thoát tội, trong đó có sự tiếp tay, giúp sức của các y bác sĩ.
Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. |
Trước đó, năm 2015, Phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội đã điều tra, xử lý nhiều đối tượng ma tuý giả điên để vào Bệnh viện Tâm thần chữa bệnh, sau đó tiếp tục buôn bán ma tuý tại chính nơi đang điều trị. Điển hình là bắt giữ trùm ma túy Hoàng Thế Bảo (SN 1982, trú tại Minh Đức, Việt Yên, Bắc Giang) là bệnh nhân điều trị tại Khoa bắt buộc chữa bệnh, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương. Bảo phân chia ma túy ngay trong chính phòng bệnh, qua cửa kiểm soát thuê taxi đi các tỉnh giao dịch ma túy như đi chợ. Việc mua bán ma túy với số lượng lớn xảy ra ngay tại bệnh viện tâm thần như… mua rau.
Ở vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương lần này, bệnh nhân cải tạo phòng bệnh, treo đèn laser, loa để biến thành động lắc với sự tham gia của cả nhân viên y tế. Thế nhưng, trả lời phóng viên, Giám đốc Bệnh viện Vương Văn Tịnh khẳng định: Không biết việc mua bán, tổ chức và sử dụng ma túy xảy ra trong bệnh viện. Nếu biết thì đã không để xảy ra vụ việc này.
Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú (Hà Nội) cho biết, đối tượng Nguyễn Xuân Quý là người cầm đầu và sửa chữa cải tạo phòng điều trị thành phòng cách âm, có đèn màu, dàn loa chuyên dụng làm động bay lắc. Làm được việc này, Quý phải có thời gian lắp đặt sửa chữa công phu, rất dễ phát hiện. Nếu không có sự cho phép của người có thẩm quyền thì không thể làm được. Tập thể cán bộ nhân viên của bệnh viện trong quá trình thay phiên nhau điều trị cũng dễ dàng phát hiện, nhưng không lên tiếng phản đối, không ngăn cản quyết liệt mới để xảy ra tình trạng này.
"Đau lòng hơn, có cả cán bộ, nhân viên đồng lõa tham gia bay lắc. Đó mới là điều đau lòng, đáng báo động về sự tha hóa đạo đức trong xã hội", Luật sư Hùng nói.
Còn theo giải thích của BSCKII Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi Chức năng và Y học cổ truyền - nơi điều trị cho đối tượng Quý - thì ở bệnh viện, để điều trị bệnh nhân tâm thần, các bác sĩ có sử dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, trong đó có hát. Việc này nhằm tạo điều kiện cho bệnh nhân sinh hoạt thoải mái, không chống đối. Quý đã lợi dụng điều này để tổ chức hát hò, nhảy múa khiến các bác sĩ không cảm thấy bất thường. Về việc người ngoài vào bệnh viện, bác sĩ Lưu cho rằng không thể kiểm soát vì họ có thể xưng là người nhà đến thăm, trông người bệnh.
"Những người có trách nhiệm của Bệnh viện Tâm thần Trung ương sẽ phải chịu trách nhiệm. Luật quy định tội Tổ chức sử dụng ma túy (Điều 255 Bộ luật hình sự năm 2017), với vai trò giúp sức, phải chịu mức hình phạt từ 7 đến 15 năm vì có 2 người tham gia trở lên. Các cán bộ, nhân viên tham gia bay lắc cũng phạm vào tội này, vì trực tiếp sử dụng ma túy", Luật sư Hùng nói.
Đình chỉ Giám đốc, 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng
Theo Luật sư Trương Tiến Hùng, thời gian qua, trong công tác quản lý đã có những lỗ hổng về mặt pháp luật đang tồn tại trong một số bệnh viện điều trị về tâm thần. Bởi đã có một thời gian các tay cộm cán giang hồ mua cho mình bùa hộ mệnh "bệnh án tâm thần", nhằm mục đích không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, đã có một số bác sĩ thoái hóa biến chất sẵn sàng phạm tội móc ngoặc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần, chạy tội cho tội phạm. Công an đã vào cuộc và xử lý các bác sĩ và người mua bệnh án giả. Về góc độ quản lý, theo Luật sư Trương Tiến Hùng, Bộ Y tế hàng năm đều có lực lượng giám sát, kiểm tra. Đây lại là bệnh viện đã từng có bác sĩ, nhân viên y tế bị xử lý hình sự, nên công tác thanh, kiểm tra phải thường xuyên và cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, để xảy ra vụ việc lần này, phải xem lại trách nhiệm của những cán bộ được giao kiểm tra đánh giá hoạt động, chất lượng bệnh viện xem đã làm hết chức trách chưa, thậm chí phải xử lý nếu để lọt vi phạm".
Khu điều trị của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. |
Trong vụ việc này trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện rất quan trọng, bởi khi đoàn của Bộ đi kiểm tra, không thể kiểm tra được hết mà trên nguyên tắc các bệnh viện tự đánh giá, xét điểm chất lượng và chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Về trách nhiệm quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sẽ có đánh giá để kiểm điểm nghiêm túc. .
Trước vụ việc gây chấn động dư luận nêu trên, sáng 1/4, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp khẩn và ngay sau đó, Bộ Y tế đã có đoàn công tác gồm lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ tới làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đây không chỉ là vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng, mà còn là những vi phạm nghiêm trọng quy trình quản lý bệnh viện và các quy chế, quy trình chuyên môn trong hoạt động khám, chữa bệnh. Trên cơ sở kết quả làm việc, chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định 1770 tạm đình chỉ công tác đối với Giám đốc Bệnh viện Vương Văn Tịnh.
Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I tạm đình chỉ công tác chuyên môn để hợp tác với cơ quan điều tra đối với các cá nhân liên quan, bao gồm: BSCKHII Đỗ Thị Lưu, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học Cổ truyền; Tạ Thị Thêm, Điều dưỡng trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Y học cổ truyền, nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Xuân Quý.
Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện hợp tác chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật. Bộ Y tế yêu cầu tập thể lãnh đạo bệnh viện tiếp tục kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tập thể, cá nhân liên quan, rà soát và chấp hành nghiêm các quy định, quy chế quản lý bệnh viện và trong hoạt động khám, chữa bệnh. Đồng thời, ổn định tư tưởng cho đội ngũ cán bộ nhân viên yên tâm công tác, đảm bảo thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người nhà, người bệnh, nhân viên y tế và ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế trong bối cảnh ngành đang nỗ lực phòng, chống đại dịch. Quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Ai sai phạm đến đâu sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó. Chúng tôi đã đề nghị với bệnh viện phải tiếp tục rà soát lại quy định của pháp luật. Để xảy ra vụ việc là trách nhiệm lãnh đạo bệnh viện. Nếu như liên quan đến hình sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ có hình thức xử lý thích hợp. Với cơ quan quản lý nhà nước, tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ xử lý trách nhiệm những người có liên quan. |