Lần đầu tiên cứu sống bệnh nhân xuất huyết não bằng kẹp cổ túi phình

Thứ Sáu, 20/03/2020, 09:55
Đây là trường hợp đầu tiên tại ĐBSCL, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ áp dụng kỹ thuật kẹp cổ túi phình điều trị động mạch não đã vỡ. 

Ngày 20/3, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS Khoa Ngoại Thần kinh của BV vừa cứu sống một bệnh nhân xuất huyết não bằng phương pháp vi phẫu kẹp cổ túi phình động mạch máu não. Đây là trường hợp đầu tiên tại ĐBSCL áp dụng kỹ thuật kẹp cổ túi phình điều trị động mạch não đã vỡ.

Hình ảnh trước khi phẫu thuật. 

Theo đó, bệnh nhân Mai Thanh Dũ (SN 1972, ngụ Hậu Giang), thường xuyên đau đầu vùng trán, khám điều trị nhiều nơi không giảm nên đến BVĐK tỉnh Hậu Giang khám, sau đó được chuyển đến BVĐKƯCT. Sau 1 ngày nhập viện với bệnh cảnh đột quị, được xử trí cấp cứu ban đầu, đến chiều bệnh nhân bắt đầu giảm tri giác. 

Hội chẩn khẩn cấp giữa đơn vị can thiệp mạch não và chuyên Khoa Ngoại Thần kinh xác định, bệnh nhân có túi phình động mạch thông trước vỡ gây xuất huyết não trán trái. Đây là trường hợp khẩn cấp, nguy cơ tử vong cao do túi phình đã vỡ, cần loại bỏ túi phình càng sớm càng tốt.

Kết quả hội chẩn thống nhất bệnh nhân có chỉ định sử dụng vi phẫu kẹp cổ túi phình. Ê kíp BSCK1 Nguyễn Quang Hưng, Ths-BS Nguyễn Duy Linh phẫu thuật cho bệnh nhân bằng hệ thống kính vi phẫu Leica F50 hỗ trợ huỳnh quang trong mổ cùng khung cố định đầu và vén não tự động. 
Và sau khi phẫu thuật thành công. 

Sau hơn 4 giờ phẫu thuật căng thẳng, các BS đã bóc tách và bộc lộ được cổ túi phình, kẹp hai clip Titanium vào cổ túi phình; loại bỏ túi phình ra khỏi vòng tuần hoàn đa giác Willis. Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, chỉ còn đau do vết mổ. 

Hình ảnh tái tạo 3D sau mổ. 

Khảo sát mạch máu não sau mổ cho thấy đã loại bỏ hoàn toàn được túi phình mà vẫn bảo toàn được các cấu trúc mạch máu quan trọng. Sáng 20/3, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, thực hiện y lệnh chính xác.

Theo BSCK2 Chương Chấn Phước (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh), tỷ lệ phình mạch não trung bình khoảng 5% dân số. Phình mạch não có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, vỡ phình mạch thường gặp nhất ở lứa tuổi từ 50-60. Nữ có tỷ lệ cao hơn nam giới. 

Bệnh nhân Dũ đang được chăm sóc tại BVĐKTƯCT. 

Mục tiêu tức thời của việc xử lý bệnh nhân bị vỡ phình mạch não là ngăn chặn xuất huyết lần 2, chảy máu lại có tỷ lệ tử vong và tàn tật nặng từ 60-80%. Nguy cơ chảy máu lại xấp xỉ 1,5% mỗi ngày, 20% vào cuối 2 tuần đầu tiên, và từ 50-60% vào cuối 6 tháng.

“Thành công triển khai kỹ thuật vi phẫu kẹp cổ túi phình tại BVĐKTƯCT giúp hoàn chỉnh các phương pháp điều trị cho bệnh nhân có túi phình mạch não; giải quyết các bệnh nhân có bệnh lý cấp cứu túi phình mạch não vỡ đồng, thời khẳng định năng lực chuyên môn tuyến cuối của BV, mang lại niềm tin cho nhân dân ĐBSCL trong việc giải quyết bệnh lý cấp cứu”, BSCK2 Phạm Thanh Phong chia sẻ. 

Văn Đức
.
.
.