Trẻ bị ngộ độc chì từ thuốc cam: Dễ mắc, khó chữa

Thứ Ba, 28/10/2014, 12:27
Loại thuốc cam có chứa chì là không nguồn gốc, dạng bột hoặc viên màu đỏ, hồng hoặc vàng cam. Chỉ uống, ăn, hoặc bôi miệng thời gian ngắn cũng có thể dẫn tới ngộ độc.

Trung tâm Chống độc (TTCĐ) - Bệnh viện (BV) Bạch Mai mới đây đã tiếp nhận cháu Bùi Ngân Phương, 31 tháng tuổi ở Kim Bôi, Hòa Bình trong tình trạng co giật, thiếu máu. Nguyên nhân là do cháu bị tưa lưỡi nên gia đình đã mua thuốc cam bột màu vàng bán rong cho uống liền trong 2 tháng, dẫn đến ngộ độc chì, khiến cháu quấy khóc vật vã, biếng ăn, da xanh nhợt và co giật tím tái nhiều lần. Cháu từng phải nhập viện cấp cứu 8 lần trong một năm và mỗi đợt điều trị 1 tháng. Việc chẩn đoán ngộ độc chì rất khó khăn, nên cháu đã phải qua nhiều chuyên khoa: cấp cứu, truyền nhiễm, rồi huyết học, các bác sĩ mới xác định được cháu bị ngộ độc chì. Nhưng việc điều trị cũng rất gian nan, đòi hỏi thời gian dài, có khi cả năm…

Đã có một gia đình 5 người ở Hải Hậu, Nam Định bị ngộ độc chì, gồm cả người lớn và trẻ con, trong đó một bệnh nhân bị tử vong tại nhà vì quá nặng. Nguyên nhân là gia đình mua thuốc cam dạng viên và bột màu vàng của người bán rong, uống để chữa chán ăn, loét miệng. Sau 10 ngày, cả 5 người đều có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, một trẻ nhỏ co giật tím tái đã tử vong không kịp đến bệnh viện, còn một cháu nhỏ khác hôn mê vật vã. Mới đây, cháu Lê Văn N cũng nhập viện do ngộ độc chì vì dùng thuốc cam, dẫn đến rối loạn mồ hôi chân tay, mệt mỏi, vàng da vàng mắt chỉ sau 2 tuần uống thuốc …

Những trường hợp trên chỉ là một vài ví dụ trong số cả ngàn ca cấp cứu vì ngộ độc chì ở TTCĐ BV Bạch Mai thời gian gần đây, trong đó, đa phần là trẻ em và đã có trường hợp tử vong, đủ dấy lên sự báo động khẩn thiết về vấn đề này. Đặc biệt, theo BS. Nguyễn Trung Nguyên (TTCĐ), cách đây chưa lâu, đã xảy ra một đợt bùng phát ngộ độc chì do thuốc cam ở các tỉnh miền Bắc, khiến rất đông trẻ phải nhập viện. Vì thế, “Tuần lễ thế giới phòng chống ngộ độc chì” 2014 với chủ đề "Hãy loại bỏ sơn chì và các nguồn chì gây nhiễm độc khác" thực sự là cơ hội để giúp các phụ huynh hiểu thêm về sự nguy hiểm này. 

Nhiều trẻ bị ngộ độc chì phải nhập viện.

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc TTCĐ - BV Bạch Mai, chỉ từ 2011 - 2014 đã có trên 1.000 người bị ngộ độc chì vào TTCĐ điều trị, hầu hết là trẻ em, do dùng thuốc cam rởm của các thầy lang để bôi miệng, hay ăn uống… Trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện quấy khóc, đau đầu, đau cơ, chán ăn, táo bón, giảm cân, chậm phát triển ngôn ngữ, đặc biệt là co giật, viêm não, thiếu máu, viêm gan… Loại thuốc cam có chứa chì là không nguồn gốc, dạng bột hoặc viên màu đỏ, hồng hoặc vàng cam. Chỉ uống, ăn, hoặc bôi miệng thời gian ngắn cũng có thể dẫn tới ngộ độc.

Điều đáng lo ngại vì trong khi người lớn hấp thu chì qua đường tiêu hóa khoảng 15%, thì trẻ lại hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn. Khi đói, hoặc chế độ ăn thiếu ion làm hấp thu chì qua đường tiêu hóa càng tăng. Còn qua đường hô hấp, việc hấp thu chì khoảng 30-40%. Da hấp thu chì tốt nếu không được rửa xà phòng trong vòng 30 phút. Chì trong máu làm giảm trí tuệ của trẻ.

Trong số 16 tỉnh, thành phía Bắc có tình trạng nhiễm độc chì từ thuốc cam dởm, thuốc viên tễ của thầy lang, Hà Nội lại là nơi có số trẻ bị nhiễm chì chiếm tỉ lệ cao nhất, tới hơn 33%, lần lượt là Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh vv… Quá trình điều trị, TTCĐ - BV Bạch Mai đã có được danh sách 42 cơ sở cung cấp thuốc cam có chứa chì ra thị trường, nhưng đây chưa phải là con số đầy đủ.

Hơn nữa, TS Phạm Duệ nhấn mạnh: Mỗi thầy lang không chỉ điều trị cho 1-2 cháu, vì vậy chỉ với danh sách 42 thầy lang này, sẽ có hàng nghìn cháu bị nhiễm độc chì chưa được phát hiện và điều trị, là những nguy cơ không nhỏ cho sự phát triển của trẻ.

Không chỉ thuốc cam, các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều vật dụng dùng cho trẻ em chứa chì với hàm lượng cao mà ở Mỹ đã thu hồi hơn 200 sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ, như đồ chơi, đồ trang sức, quần áo, mũ kính, găng, giầy, dép, bàn ghế, gối, ô, cũi, rèm, đèn, bình nước, cốc, lọ vv… Đây cũng là nguy cơ cho trẻ Việt Nam vì theo các bác sĩ, nhiều vật dụng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không, hoặc chưa phát hiện được, bên cạnh đó là năng lực xét nghiệm chì còn yếu dẫn đến kết quả xét nghiệm của nhiều nơi sai số rất lớn.

Bên cạnh đó, việc tái chế ắc quy chì khiến môi trường bị ô nhiễm rất nặng, cũng góp phần gây nên tình trạng ngộ độc chì khá cao hiện nay. Theo điều tra của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), năm 2010 đã có khoảng 40.000 tấn ắc quy chì được thải ra môi trường, đến năm 2015, con số này sẽ là gần 70.000 tấn. Do công nghệ lạc hậu, hoạt động tái chế chì gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nghiên cứu của Havens tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu cho thấy: 92,9% trẻ em có mức chì trong máu cao. Đặc biệt, nghiên cứu của Lỗ Văn Tùng tại làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên) cũng cho thấy, 100% trẻ em dưới 10 tuổi được xét nghiệm sàng lọc có nồng độ chì máu; 19/24 trẻ em được xét nghiệm lại bằng máu tĩnh mạch cần được giải độc thải chì cấp.

Đây chỉ là những điều tra nhỏ, nhưng đủ chỉ ra tình trạng ngộ độc chì khá nặng nề đang có ở nước ta. Mà, theo Tổ chức Y tế thế giới, 600.000 trẻ em mỗi năm bị khuyết tật trí tuệ từ tiếp xúc với chì. Phơi nhiễm chì gây nên 0,6% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. 99% trẻ em bị ảnh hưởng bởi phơi nhiễm chì mức độ cao là thuộc các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình

Thanh Hằng
.
.
.