Kiểm soát chặt việc sử dụng phụ gia thực phẩm

Thứ Hai, 05/02/2018, 17:25
Tình trạng phụ gia trôi nổi, nhập lậu trên thị trường Việt Nam đang là nỗi lo ngại trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Hiện nay, nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng các phụ gia không nguồn gốc, có tác hại đến sức khỏe của người sử dụng mà lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát được.

Trong  khi đó, việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, chủng loại, nhất là các phụ gia nằm ngoài danh mục cho phép sẽ gây những hậu quả rất xấu cho người sử dụng. Con số người phải nhập viện và tử vong do ngộ độc thực phẩm mỗi măm đã cho thấy điều này.

Bên cạnh đó, các chất phụ gia thực phẩm độc hại dùng liều lượng nhỏ nhưng thường xuyên, sẽ tích lũy trong cơ thể, gây tổn thương lâu dài, thậm chí còn gây ra nhiều loại bệnh: ăn không ngon, giảm cân, tiêu chảy, rụng tóc, suy thận mạn tính, da xanh xao, động kinh, trí tuệ giảm sút, ung thư, đột biến gen, gây quái thai ở phụ nữ mang thai… Điển hình là các chất như vàng ô (VAT Yellow) mà việc thực nghiệm trên động vật của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cho thấy có tồn dư trong vật nuôi và có thể gây ung thư, hay việc sử dụng chất Salbutamol lâu dài cũng có thể gây bệnh ung thư.

Trước tình hình này, vịêc Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2018 hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP) được hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng bừa bãi trong buôn bán, sử dụng chất phụ gia.

 

Nhiều thực phẩm sử dụng phụ gia không nguồn gốc

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho hay, một nội dung quan trọng của Nghị định này là các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP đối với phụ gia thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm: Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm khi các phụ gia thực phẩm đó thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định; đúng đối tượng thực phẩm; có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; còn thời hạn sử dụng; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quản lý và yêu cầu kỹ thuật đối với phụ gia thực phẩm. Sản phẩm cuối cùng của sự phối trộn không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người.

Trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa. Việc sang chia, san, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện ATTP và ghi nhãn theo quy định hiện hành.

 

Kiểm tra hàng tiêu dùng trên thị trường

Nghị định cũng quy định cụ thể về phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới. Theo đó, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới phải được liệt kê thành phần định lượng đối với từng phụ gia trong thành phần cấu tạo.

Sử dụng phụ gia thực phẩm không vượt quá mức sử dụng tối đa cho phép là một nội dung quan trong của Nghị định 15. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm có trách nhiệm chỉ được sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định. Trong trường hợp phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm tại Bộ Y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, các qui định tại Nghị định này sẽ thay đổi cơ bản phương thức quản lý như đăng ký bản công bố, tự công bố sản phẩm, biểu mẫu, phương thức công bố, đăng ký. Đây là thông tin được đại diện Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết ngày 5-2.

TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo Nghị định này, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi đăng ký bản công bố tại Sở Y tế địa phương và các sản phẩm còn lại do doanh nghiệp tự công bố theo hướng dẫn tại Nghị định.

 

 

Thanh Hằng
.
.
.