Khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh BHYT
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào khám, chữa bệnh
- Sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về thanh toán chi phí khám chữa bệnh
Trong buổi đối thoại này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Phạm Lương Sơn khẳng định, việc khuyến khích bệnh viện tư nhân tham gia vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là chủ trương chung của BHXH Việt Nam từ nhiều năm nay, nhằm mục đích mở rộng thị trường khám chữa bệnh lựa chọn cho người dân và tạo ra một đối trọng với khối y tế công lập để không tạo nên sự độc quyền.
Nội dung này cũng đã giải đáp ý kiến của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam về hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT do cơ quan BHXH soạn không thống nhất với Thông tư 41/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Theo cơ quan chức năng, năm 2015 mới chỉ có hơn 200 cơ sở khám chữa bệnh y tế tư nhân tham gia khám chữa bệnh BHYT, đến năm 2016 là gần 400 và năm 2017, 2018 là trên 600 cơ sở. Hầu hết các cơ sở y tế tư nhân thực hiện rất tốt, nghiêm túc, đúng với mục tiêu đặt ra là tạo nên một sự lựa chọn thuận lợi cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh BHYT. Tuy nhiên, còn có một số ít chưa thực hiện một cách đúng đắn những quy định pháp luật.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định cơ quan BHXH đã tuân thủ mẫu hợp đồng khám chữa bệnh của Thông tư 41. Mặt khác, trong Thông tư cũng có điều khoản là hai bên phải thương thảo với nhau để bổ sung những điều khoản hợp đồng phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, đặc thù của các cơ sở khám chữa bệnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu tham dự buổi đối thoại. |
Cũng tại buổi đối thoại này, Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam đã đưa ra 10 kiến nghị liên quan đến nội dung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều khoản, nội dung thỏa thuận không đúng và không đủ theo quy định của pháp luật, gây bất lợi cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân khi có tranh chấp xảy ra; việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng tương đương đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân để các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có đủ điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT lần đầu năm 2018; một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT tư nhân bị BHXH tạm ngừng hợp đồng tùy tiện, không tuân thủ các quy định của Luật BHYT...
Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng kiến nghị về việc nhiều tỉnh thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh và tạm ứng cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT tư nhân chưa kịp thời; việc không thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trong các ngày nghỉ, ngày lễ, thứ 7 và Chủ nhật mặc dù cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã thực hiện thông báo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; việc áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật, trần khám, điều trị theo bệnh nhân, theo ngày, theo số lượng cán bộ, nhân viên y tế, giường bệnh trong thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó là kiến nghị liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến dưới thực hiện được kỹ thuật khám chữa bệnh của tuyến trên; chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân; hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo.
Một nội dung được đưa ra trong buổi đối thoại chính là vụ việc xảy ra tại Phòng khám đa khoa Tâm Đức (Bình Phước) trong thời gian qua gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội.
Kết luận nội dung đối thoại giữa Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và đại diện Chủ sở hữu Công ty TNHH một thành viên Phòng khám đa khoa Tâm Đức, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị sửa đổi điều khoản hợp đồng theo hướng hai bên cam kết thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng và các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT. Mỗi bên có quyền đơn phương tạm dừng hợp đồng và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật về khám chữa bệnh BHYT, thay vì quy định chỉ có BHXH mới được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Phạm Lương Sơn khẳng định rằng, ngày 13-4, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản chỉ đạo BHXH các địa phương điều chỉnh vấn đề này.
Về kiến nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam liên quan đến chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam Nguyễn Thị Xuyên thống nhất cho rằng các nước đều cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ và các quy định pháp luật cũng đã nêu rõ cấp chứng chỉ cho đối tượng nào. Đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền lợi người bệnh nên cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề, vấn đề đặt ra là thủ tục để có được chứng chỉ này, nếu nhiêu khê, phức tạp, cần phải chấn chỉnh.
Trước ý kiến của Hiệp hội về Hiệp hội về chính sách khuyến thích đầu tư y tế tư nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ vẫn khuyến khích tư nhân đầu tư vào y tế, đặc biệt là ở phân khúc cao, nói chính sách nhà nước không quan tâm là không đúng. Tuy nhiên, tùy vào từng địa bàn mà có chính sách phù hợp, địa phương được quyền quyết định việc này...