Khuyến cáo cho trẻ uống đầy đủ vaccine phòng bại liệt

Thứ Sáu, 20/11/2015, 17:51
Ngày 20/11, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân đưa trẻ em trong độ tuổi đến các cơ sở y tế để uống vaccine phòng bệnh bại liệt đầy đủ, đúng theo lịch tiêm chủng; đặc biệt là tại các tỉnh có nguy cơ cao đang triển khai chiến dịch uống bổ sung vaccine bại liệt.

Trên phạm vi toàn quốc, lịch uống vaccine phòng bệnh bại liệt (OPV) thường xuyên đối với trẻ dưới 1 tuổi là: liều thứ nhất khi trẻ 2 tháng tuổi, liều thứ hai khi trẻ 3 tháng tuổi và liều thứ ba khi trẻ 4 tháng tuổi.

Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm do virus bại liệt (Polio) gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa do nhiễm virus bại liệt chủ yếu có trong nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm từ phân của người bệnh hoặc người lành mang virus bại liệt. Bệnh có thể tiến triển nặng, đau cơ dữ dội, cổ cứng, cứng lưng, liệt mềm có thể xảy ra và dẫn tới tử vong; di chứng liệt thường không hồi phục và gây tàn tật suốt đời.

Bệnh bại liệt là bệnh đã có vaccine phòng bệnh và Việt Nam đã đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhờ việc triển khai vaccine bại liệt trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000 và từ đó đến nay không phát hiện trường hợp bại liệt hoang dại nào.

Hiện có 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ em được khuyến cáo tiêm chủng phòng ngừa là bạch cầu, uốn ván, ho gà, viêm não do vi trùng HiB, viên gan B và bại liệt. Vaccine 5 trong 1 của Tiêm chủng ở rộng Quinvaxem hiện phòng ngừa được 5 trong 6 bệnh nêu trên, trừ bại liệt. Vì vậy, nếu trẻ tiêm vaccine này thì sẽ được bổ sung bằng liều vaccine uống để ngừa bại liệt.

Trước tình hình nhiều nước khác vẫn còn virus bại liệt hoang dại lưu hành, để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, Bộ Y tế Việt Nam đã tích cực triển khai việc uống vắcxin bại liệt cho trẻ dưới 1 tuổi; đặc biệt đã tổ chức chiến dịch uống vaccine bại liệt bổ sung cho trẻ dưới 5 tuổi tại các tỉnh có nguy cơ cao để đạt tỷ lệ bao phủ vaccine bại liệt trên 95%.

Hải Châu
.
.
.