Không chỉ phổi, SARS-CoV-2 còn tấn công cả vào tim
“Kẻ thù nguy hiểm” của tim
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Cardiology, cứ 5 bệnh nhân mắc COVID-19 thì có hơn 1 người bị tổn thương tim tại Vũ Hán, Trung Quốc. Trong khi một số bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch thì có cả những người không có tiền sử bệnh tim. Như vậy, điều gì đã xảy ra khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể của một người?
Các bác sĩ chuyên khoa tim mạch đã tiết lộ về một số khả năng có thể xảy ra trong những trường hợp này: Tim mạch có lẽ đã phải cố gắng để bơm máu khi thiếu lượng oxy cần thiết và virus có thể đã trực tiếp xâm nhập vào tế bào tim mạch. Hoặc cũng có khả năng, trong quá trình cơ thể nỗ lực loại bỏ virus này đã huy động một “cơn bão” các tế bào miễn dịch tấn công vào tim. Do vậy, theo các nhà nghiên cứu, việc virus SARS-CoV-2 có thể khiến tim bị tổn thương không phải là một điều bất ngờ. Điều đáng nói là virus này đang gây nên các vấn đề về tim mạch cho các bệnh nhân nhiều hơn các bệnh nhân nhiễm những virus khác.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, SARS-CoV-2 không chỉ tấn công phổi, còn là “kẻ thù nguy hiểm” của tim. |
Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp vào tim. “Chúng tôi đã xem xét các trường hợp không mắc các bệnh nền về tim mạch” nhưng đang bị tổn thương tim ở các bệnh nhân COVID-19, Tiến sĩ Erin Michos thuộc Trường Y Johns Hopkins cho biết.
“Tổn thương tim mạch không điển hình ở các ca mắc COVID-19 nhẹ và có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn ở các bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng và phải đưa tới bệnh viện”, bà Erin Michos nhận định.
Mặc dù virus SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng tới phổi nhưng virus này cũng di chuyển trong mạch máu và điều đó tức là SARS-CoV-2 có thể xâm nhập trực tiếp cũng như tấn công các cơ quan khác, bao gồm cả tim. Cả bề mặt tế bào tim và tế bào phổi đều được bao phủ bởi các protein gọi là angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) - những phân tử này giống như “cánh cửa” để virus xâm nhập vào tế bào.
Tuy nhiên, enzyme này là một “con dao 2 lưỡi”, chuyên gia Michos cho biết. Một mặt, phân tử ACE2 hoạt động giống như cửa ngõ để virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên nhưng mặt khác, nó cũng có chức năng “bảo vệ”. Khi các mô trong cơ thể bị phá hủy, hoặc là do các virus như SARS-CoV-2 xâm nhập hoặc do các nguyên nhân khác, cơ chế phản ứng chữa lành tự nhiên của cơ thể sẽ giải phóng các phân tử gây viêm, chẳng hạn như những protein nhỏ gọi là cytokine, vào mạch máu. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều phân tử gây viêm, điều đó có thể khiến tình trạng cơ thể tồi tệ hơn.
Enzyme ACE2 có vai trò như các phân tử kháng viêm, nhằm khiến các tế bào miễn dịch không gây tổn thương thêm đến các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, khi virus bám vào protein ACE2, những protein này sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, do đó sẽ giảm khả năng sản sinh các phân tử kháng viêm bảo vệ.
SARS-CoV-2 sẽ tận dụng để “bắn 1 mũi tên trúng 2 đích” khi vừa có thể trực tiếp phá hủy tế bào, vừa ngăn cơ thể bảo vệ các mô khỏi tình trạng viêm nhiễm. “'Nếu các cơ tim bị viêm hoặc bị virus gây tổn thương, tim sẽ không thể thực hiện chức năng của mình”, chuyên gia Michos cho biết.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, virus corona chủng mới cũng có thể gián tiếp làm tổn thương tim. Trong trường hợp này, hệ miễn dịch của bệnh nhân sẽ không thể hoạt động hiệu quả để bảo vệ cơ thể. Viễn cảnh này thường xảy ra ở các bệnh nhân nặng có lượng protein báo hiệu tình trạng viêm trong cơ thể tăng cao. Hiện tượng này gọi là “cơn bão cytokine”.
Cơn bão Cytokine phá hủy các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tim và phổi song các chuyên gia chưa rõ tại sao ở một số người sự phản ứng này lại mạnh hơn những người khác, dù một số trường hợp thì có thể là do gien. Các bệnh nhân có các bệnh nền tim mạch là những người có nguy cơ trải qua các triệu chứng nghiêm trọng hơn khi mắc COVID-19 và có nguy cơ tử vong cao hơn.
“Bạn có thể tưởng tượng, nếu tim của họ khó có thể hoạt động bình thường, họ sẽ không đủ khả năng để đối phó với bệnh dịch khi không có đủ oxy bởi phổi đã không thể hoạt động tốt”, chuyên gia Michos nhận định. Vì thế, dịch COVID-19 có thể khiến bệnh nền tim mạch của các bệnh nhân tồi tệ hơn.
Một vấn đề phức tạp khác là những loại thuốc đang được nghiên cứu để điều trị COVID-19 hiện nay, trong đó có hydroxychloroquine mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, có thể gây tổn thương tim. Do vậy, mục tiêu hiện nay là tập trung nghiên cứu về việc liệu có nguyên nhân hóa sinh hoặc nguyên nhân về gen nào khác ở một số người có nguy cơ tổn thương tim khi mắc COVID-19 nhiều hơn so với những người khác hay không và tìm ra loại thuốc nào là hoạt động tốt nhất “để bảo vệ tim không bị tổn thương”, bà Michos đánh giá.
Phát hiện thêm nhiều loại virus corona chủng mới
Các nhà khoa học đã phát hiện ra 6 loại virus corona hoàn toàn mới được tìm thấy trên những con dơi ở Myanmar. Những loại virus này cùng họ với virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu hiện nay. Những loại virus mới này được tìm thấy trên 3 loài dơi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, các loại virus corona mới được phát hiện này không có mối liên hệ gần gũi về gen với SARS-CoV-2, cũng như 2 loại virus corona khác từng gây nên dịch SARS và MERS.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra các loại virus trên khi đang nghiên cứu những con dơi ở Myanmar như một phần trong chương trình do chính phủ tài trợ mang tên PREDICT nhằm xác định các loại bệnh truyền nhiễm có nguy cơ truyền từ động vật sang người. Những con dơi tiềm ẩn những nguy cơ lớn bởi loài động vật có vú này được cho là vật chủ của hàng nghìn loại virus corona chưa được phát hiện. SARS-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 cũng được cho là có nguồn gốc từ dơi trước khi bắt đầu lây nhiễm sang con người, có thể là qua “đường vòng” từ loài vật trung gian nào đó.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu về nguy cơ của 6 loại virus mới được phát hiện này khi chúng di chuyển sang các loài khác và liệu chúng có tác động đến sức khỏe con người như thế nào.
“Nhiều virus corona có lẽ không có nguy cơ gây bệnh với con người nhưng nếu chúng ta sớm xác định được những loại bệnh này từ động vật, vốn là nguồn lây nhiễm, thì chúng ta sẽ có cơ hội quý giá để điều tra về mối đe dọa tiềm năng này”, đồng tác giả của nghiên cứu trên đồng thời là giám đốc Chương trình Y tế Toàn cầu của Smithsonian - chuyên gia Suzan Murray cho biết.