Việt Nam đã "vượt mặt" Campuchia và Lào về kháng thuốc kháng sinh

Thứ Sáu, 20/01/2017, 18:42
Tình trạng kháng thuốc trong điều trị sốt rét và chống lao đang là vấn đề lớn của 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Kháng thuốc kháng sinh chiếm tới 60% ở Việt Nam. Kháng thuốc cả trong bệnh viện và cộng đồng đều ở cấp độ cảnh báo.


Đặc biệt lo ngại là sự phát triển của tình trạng kháng thuốc sau phẫu thuật, nhiễm khuẩn đường tiết niệu, khiến rất khó khăn trong điều trị đang phổ biến ở Việt Nam hơn cả Lào và Campuchia.

Đây là thông tin mới nhất được đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tại hội nghị hành động đa ngành về kháng kháng sinh ở Việt Nam, Lào và Campuchia, do Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) và WHO tổ chức lần đầu tiên vào chiều 20-1 tại Hà Nội. Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng gia tăng ở các nước. Úc và Nhật cũng đã có nhiều trường hợp thất bại trong điều trị do kháng thuốc kháng sinh. Đặc biệt, nếu xảy ra kháng thuốc kháng sinh nghiêm trọng thì hậu quả sẽ khôn lường.

Báo cáo giám sát mới nhất của WHO chỉ ra, kháng thuốc kháng sinh là vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước. Trong đó, việc kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam hiện ở mức rất nghiêm trọng. Có hơn 60% người lành mang trùng nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh và khoảng 50% thực phẩm từ gia súc và thủy sản nhiễm vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Bộ Y tế cho hay, một nghiên cứu khoảng 400 mẫu thịt và hải sản chưa qua chế biến được lấy từ các lò giết mổ, chợ đầu mối và chợ bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh chỉ ra tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh các chủng Samonella (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy) rất cao. Tỷ lệ nhiễm Samonella đã được phát hiện trong thịt lợn là 69,7%, gia cầm 65,3%, thịt bò 58,3%, tôm 49%, cá nước ngọt nuôi 36,6%.  

Trao đổi với phóng viên Báo CAND bên lề hội nghị, một chuyên gia của WHO cho biết: Để tình trạng kháng thuốc kháng sinh “bùng nổ”, vai trò của bác sĩ kê đơn thuốc cho người và bác sĩ thú y là ngang nhau; vai trò của bác sĩ và người dân cũng như nhau. Bác sĩ bị áp lực về thời gian điều trị, bệnh nhân cũng muốn nhanh khỏi, nên bệnh trạng dù có thể nghỉ ngơi là khỏe, nhưng nhiều người vẫn dùng thuốc kháng sinh cho nhanh.

 Ở Việt Nam, điều đáng lưu ý nhất là người dân có thể đi mua thuốc kháng sinh ở bất cứ hiệu thuốc nào mà không cần đơn của bác sĩ, trong khi ở nhiều nước, muốn mua thuốc kháng sinh phải có đơn. Vì thế, điều cần khắc phục ở Việt Nam là bác sĩ cần kê đơn đúng, nhưng người dân cũng cần có hiểu biết đúng về kháng sinh.

Đại diện OIE, FAO và WHO chia sẻ thông tin mới nhất về tình trạng kháng thuốc kháng sinh

Hàng loạt nguyên nhân kháng thuốc kháng sinh được các chuyên gia quốc tế chỉ ra: Do bác sĩ kê đơn kháng sinh quá nhiều và không hợp lý; người bệnh không dùng hết liều điều trị; lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện và phòng khám chưa tốt; thiếu vệ sinh và hệ thống vệ sinh yếu kém; chưa có kháng sinh mới. 

Thuốc kháng sinh được kê cho bệnh nhân có thể gây ra vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong đường ruột. Khi người bệnh tới khám tại bệnh viện hoặc phòng khám, vi khuẩn kháng thuốc lại lan truyền đến người bệnh do thiếu vệ sinh và các thiết bị không sạch, từ đó, lan truyền đến cộng đồng.

Kháng thuốc kháng sinh khiến việc điều trị sau phẫu thuật gặp nhiều khó khăn 

Kháng thuốc kháng sinh diễn ra khi vi khuẩn thay đổi và trở nên kháng với kháng sinh đã sử dụng để điều trị những bệnh nhiễm trùng. Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và trồng trọt khiến vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong đường ruột của vật nuôi, rồi lây sang người thông qua thức ăn, nước, đất, không khí, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp giữa người và vật nuôi, từ đó, lan đến cộng đồng.

Tình trạng kháng thuốc xòi mòn nỗ lực trong điều trị các bệnh nhiễm trùng và giảm hiệu quả của các tiến bộ trong y học. Hiện tượng vi khuẩn kháng đa thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ trong điều trị, mà còn là mối nguy tiềm tàng đối với sức khỏe cộng đồng.

Thanh Hằng
.
.
.