Kêu gọi hành động khẩn cấp để loại trừ sốt rét ở Tiểu vùng Sông Mê Kông

Thứ Sáu, 08/12/2017, 16:47

Ngày 8-12, tại một hội nghị cấp cao do Bộ Y tế Myanmar phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Các nhà Lãnh đạo Chống Sốt rét Châu Á Thái Bình Dương (APLMA) nhóm họp, đại diện các nước đến từ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã kêu gọi hành động khẩn cấp để loại trừ sốt rét ở Tiểu vùng Sông Mê Kông mở rộng (GMS) vào năm 2030.

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia quan ngại rằng các ký sinh trùng sốt rét kháng lại các thuốc chống sốt rét, kể cả artemisinin – là hợp chất chính của các thuốc sốt rét tốt nhất hiện có.

Cho đến nay, các chuyên gia đã phát hiện thấy ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở 5 trong 6 nước GMS, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Cách tốt nhất để giải quyết mối đe dọa do kháng thuốc gây ra là các nước Tiểu vùng Mê Kông cùng nhau loại trừ sốt rét. Các nước cũng đề nghị WHO hỗ trợ để đạt được mục tiêu quan trọng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Các nỗ lực phòng chống sốt rét gần đây ở Tiểu vùng Mê Kông đã đạt được kết quả ấn tượng. Theo ước tính mới nhất của WHO, các ca sốt rét ở sáu nước trong Tiểu vùng Mê Kông đã giảm khoảng 74% trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2016. Các ca tử vong do sốt rét đã giảm xuống 91% so với cùng kỳ.

Tiến bộ này có thể đạt được là nhờ cách tiếp cận tốt hơn với các công cụ phòng chống sốt rét hiệu quả, đặc biệt là các liệu pháp kết hợp điều trị sốt rét dựa vào artemisinin, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, và màn tẩm hóa chất chống côn trùng. 

Từ năm 2012, cung cấp trọng điểm các phương tiện này cho các nhóm dân yếu thế đã cơ bản gia tăng trong Tiểu vùng, dẫn đến kết quả cũng tăng lên. Tình hình kháng thuốc sốt rét, nếu không được giả quyết khẩn trương, có thể hủy hoại những thành quả này.

Sốt rét là căn bệnh đe dọa đến tính mạng gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium lây truyền cho con người khi bị muỗi cái Anopheles mang mầm bệnh đốt phải. 

Các công cụ phòng chống sốt rét do WHO khuyến cáo bao gồm: Màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, phun thuốc diệt muỗi trong nhà, điều trị dự phòng cho trẻ em và phụ nữ mang thai, xét nghiệm chẩn đoán nhanh, và điều trị các ca mắc sốt rét bằng thuốc chống sốt rét có hiệu lực

Tình hình bệnh sốt rét hiện nay ở Việt Nam

Việt Nam đã đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới loại trừ sốt rét những năm gần đây. So với 10 năm trước (2006), các ca sốt rét ở Việt Nam đã giảm 81,6%, và các ca tử vong giảm xuống 92,7%. Trong năm 2016, có 4.161 ca sốt rét trong nước với 3 ca tử vong. Con số giảm ấn tượng này đạt được có thể là nhờ vào cam kết mạnh mẽ và các khoản đầu tư to lớn cho lĩnh vực phòng chống sốt rét của chính phủ Việt Nam cùng với các đối tác phát triển quốc tế.

Chính phủ Việt Nam nhận được cam kết mạnh mẽ dành cho mục tiêu loại trừ sốt rét vào năm 2030 ở Việt Nam bằng Chiến lược Quốc gia Phòng chống và Loại trừ Sốt rét giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Vấn đề đa kháng thuốc ở Khu vực Tiểu vùng Mê Kông (GMS), trong đó có Việt Nam, đã là vấn đề mà WHO đã nắm rõ trong nhiều năm. Trong năm 2015 và 2016, có 4 nghiên cứu do Chương trình Quốc gia Phòng chống Sốt rét Việt Nam (NMCP) phối hợp với WHO đã cho thấy tỷ lệ thất bại cao khi điều trị bằng dihydroartemisinin-piperaquine (DHA-PIP) ở tỉnh Bình Phước.

DHA-PIP là thuốc được sử dụng nhiều nhất để điều trị sốt rét ở Việt Nam. Kể từ khi Việt Nam hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để ứng phó mối đe dọa sốt rét kháng artemisinin theo khuyến cáo quốc tế của WHO.


Tiên An
.
.
.