Bước tiến mới trong phòng chống sốt rét

Thứ Tư, 26/04/2017, 09:48

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 24-4, ngày Thế giới Chống Sốt rét, đã công bố rằng họ sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine phòng chống sốt rét trong năm tới. 

Ảnh minh họa

Theo số liệu năm 2015, trên phạm vi toàn thế giới dã có khoảng 429.000 người thiệt mạng vì căn bệnh do muỗi lây truyền này, đồng thời, có đến hàng trăm triệu người mắc bệnh môi năm. Nhiều người mắc bệnh có nguy cơ không thể hồi phục hoàn toàn.

Đến nay, đã có rất nhiều tiến bộ to lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này. Theo WHO, từ năm 2000 đến năm 2015, số lượng người tử vong do sốt rét đã giảm 62% và số ca mắc đã giảm 41%. Theo các chuyên gia, sở dĩ số lượng người tử vong do sốt rét giảm là do người ta đã kiểm soát được sự sinh sôi của muỗi và nhận thức về căn bệnh này đã được nâng cao hơn.

Tuy nhiên, theo WHO, tại nhiều vùng trên thế giới, việc phòng chống sốt rét còn rất nhiều hạn chế, ví dụ như tại Tiểu vùng Sahara, khoảng 43% người dân vẫn có nguy cơ cao mắc sốt rét do thiếu những vật dụng phòng chống muỗi như màn ngủ hay thuốc diệt muỗi.

Châu Phi là lục địa có số người mắc sốt rét cao nhất thế giới. Vaccine sẽ được thử nghiệm ở các nước như Kenya, Ghana và Malawi vào đầu năm 2018.

Loại Vaccine có tên là RTS,S còn được gọi là Mosquirix, được sáng chế bởi các nhà khoa học tại viện nghiên cứu GSK (Glaxo Smith Kline – Công ty Dược phẩm lớn thứ 6 trên thế giới) vào năm 1987. Loại vaccine này được phát triển nhờ sự hợp tác giữa Tổ chức PATH Malaria Initiative và sự hỗ trợ của Quỹ Bill và Melinda Gates cùng với các tổ chức y tế địa phương từ bảy nước châu Phi. Trong số các loại vaccine sốt rét, đây là loại vaccine có tiến triển tốt nhất.

Các nhà phát triển hy vọng rằng, loại vaccine này sẽ giúp bảo vệ trẻ em khỏi loại hình sốt rét nguy hiểm nhất, được biết đến với tên Plasmodium Falciparum. Dự án thử nghiệm này sẽ được tiến hành để kiểm tra xem liệu vaccine này có thực sự hiệu nghiệm trong thực tế hay không. Vaccine này có hiệu quả khi người bệnh (hoặc có tiềm năng, nguy cơ mang bệnh) được tiêm phòng 4 liều thông qua hình thức tiêm bắp.

Duy Tiến
.
.
.