Kết thúc dịch AIDS vào năm 2030: Mục tiêu còn xa

Thứ Bảy, 09/11/2019, 10:16
Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khống chế lây lan của HIV/AIDS, nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để tiến tới mục tiêu này là rất khó.

Theo người đứng đầu của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện có thông tin Việt Nam đang tiến rất gần đến mục tiêu không còn đại dịch AIDS. Đây là thông tin không phản ánh đúng với thực tế tình hình HIV/AIDS hiện nay ở Việt Nam, gây tâm lý chủ quan trong cộng đồng về việc phòng bệnh, đặc biệt là một bộ phận người nằm trong nhóm nguy cơ bị nhiễm căn bệnh nan y này.

Nguy cơ lây HIV từ quan hệ tình dục đồng giới cao nhất

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), ước tính cả nước có 250.000 người có HIV, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 7.779 người nhiễm HIV được phát hiện, 1.428 người tử vong do AIDS. Những hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong những năm gần đây là quan hệ tình dục tập thể, quan hệ tình dục với nhiều người, người trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng ma túy. 

Theo đánh giá, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại. Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, nếu đạt ở mức dưới 1.000 người bị nhiễm HIV/AIDS thì mới được đưa vào danh sách nhóm các quốc gia cận kề với mục tiêu không còn căn bệnh này. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê vẫn có khoảng 10.000 ca mắc mới nên chưa thể đưa vào nhóm không còn HIV/AIDS.

Quan hệ tình dục đồng giới nam đang có xu hướng gia tăng và đây là nhóm đối tượng dễ lây nhiễm HIV cao nhất. Ths.Bs Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục HIV/AIDS cảnh báo, tỷ lệ hiện mắc với người trong nhóm MSM (quan hệ tình dục đồng giới nam) đang có xu hướng gia tăng và ngày càng phát hiện nhiều người nhiễm HIV là MSM. Trước thông tin cho rằng Việt Nam đã tiến dần đến mục tiêu không còn đại dịch HIV/AIDS, những nhóm có nguy cơ tỏ ra chủ quan trong việc sử dụng các biện pháp phòng tránh.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Dự án Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) cho nhóm có hành vi nguy cơ cao (NCC) bằng thuốc ARV đã thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ năm 2016. Năm 2019 và 2020 sẽ triển khai tại 26 tỉnh/thành phố. Tính đến quý III/2019 đã đạt được 91,3% chỉ tiêu khách hàng năm 2019. 

PrEP được chỉ định dự phòng HIV cho các nhóm NCC là: MSM; bạn tình khác giới của người nhiễm HIV có tải lượng HIV trên 200 bản sao/ml, bao gồm chưa hoặc đang điều trị ARV; người tiêm chích ma túy; người chuyển giới nữ; sau phơi nhiễm với HIV và tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV.

Người có HIV, uống thuốc kháng virus ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện (tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml) sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ.

Nhân viên y tế phát thuốc ARV do Bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh.

Trẻ bỏ điều trị thuốc kháng virus

Hiện nay, cả nước có 134.689 người HIV đang điều trị ARV tại 436 cơ sở điều trị HIV/AIDS tại 63/63 tỉnh trên toàn quốc, trong đó có 134.689 bệnh nhân là người lớn và 4.588 bệnh nhân trẻ em. Tỷ lệ sử dụng thuốc ARV bao phủ 65% người nhiễm HIV được phát hiện. 

Kể từ khi thuốc ARV không còn được tài trợ, bắt đầu từ tháng 3-2019, người có HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV do quỹ BHYT chi trả. Đến nay cả nước có 188 cơ sở điều trị cung cấp thuốc thuốc ARV từ nguồn BHYT. Về chất lượng điều trị thuốc ARV đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, như có tới 95% bệnh nhân có tải lượng virus dưới ngưỡng không lây truyền qua đường tình dục, tỷ lệ kháng thuốc trước điều trị ở mức thấp so với các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay trên cả nước có khoảng 91% người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV từ nguồn BHYT. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, còn gần 10% người bệnh còn lại chưa sử dụng BHYT để điều trị thuốc ARV là vì người bệnh lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, họ tự đến BV đa khoa tỉnh để điều trị. Trong thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người bệnh còn lại tham gia BHYT, điều trị dự phòng HIV, giảm nguy cơ lây nhiễm.

Phải khống chế được lây nhiễm HIV thì mới tiến tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS tại nước ta vào năm 2030. Theo Luật phòng chống HIV/AIDS, trẻ em dưới 6 tuổi được điều trị miễn phí HIV/AIDS. Tuy nhiên, tất cả thuốc điều trị của trẻ em dưới 16 tuổi hiện nay đều được Quỹ Toàn cầu hỗ trợ miễn phí trên toàn quốc. Do vậy, đối tượng là trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được chẩn đoán sớm, điều trị dự phòng miễn phí, dẫn đến tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con thấp. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, điều trị dự phòng HIV hiện còn gặp khó khăn, nhiều trẻ có HIV có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em tuân thủ điều trị kém, điều trị mất dấu. Trẻ vị thành niên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hay quên thuốc, tâm lý lo lắng, sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử, thích khám phá và quan hệ tình dục không an toàn.

Để đạt được mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030, đặc biệt trước thông tin thế giới vừa phát hiện thêm chủng HIV mới, theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, phải cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS chấm dứt dịch bệnh AIDS và sửa đổi Thông tư 01/2010/TT-BYT quy định trách nhiệm, trình tự thông báo kết quả xét nghiệm dương tính HIV cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trần Hằng
.
.
.